(GLO)- Lời Tòa soạn: Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối giao thương trên nền tảng số để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm là những giải pháp ngành Công thương đang triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương.
*P.V:Xin bà cho biết thực trạng về quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) và công tác chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên địa bàn tỉnh?
Bà Đào Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Vũ Thảo |
- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Trong 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến thói quen làm việc, mua sắm, tiêu dùng của người dân có sự thay đổi đáng kể. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực cho TMĐT phát triển. Nếu năm 2021, chỉ số TMĐT của Gia Lai xếp thứ 44/56 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2020) thì năm 2022 đã tăng 4 bậc so với năm 2021, xếp thứ 40/56 tỉnh, thành phố được đánh giá xếp hạng; xếp thứ 3 trong các tỉnh Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Đak Lak). Đến nay, khoảng 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart… cũng như trên nền tảng mạng xã hội với giá trị mua hàng trực tuyến tương đối cao. Doanh số trong giao dịch TMĐT đều tăng khoảng 15%/năm. Riêng năm 2022, chiếm khoảng 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Hiện Gia Lai có 214 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh (số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 7 trên toàn quốc và đứng thứ 2 khu vực miền Trung và Tây Nguyên). Cùng với đó, toàn tỉnh có 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, cùng nhiều nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Đây là điều kiện để hỗ trợ đưa sản phẩm có chứng nhận lên các sàn.
Trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM đã được các tổ chức và doanh nghiệp chú trọng, từng bước thích nghi hiệu quả với tình hình thị trường. Việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường trong nước và ngoài nước, tìm kiếm và mở rộng phát triển thị trường, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh và bắt kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Tuy nhiên, nhận thức và năng lực XTTM trên môi trường số của một bộ phận doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn hạn chế. Do đó, việc triển khai Kế hoạch số 756/KH-UBND thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025 sẽ là cơ sở định hướng đầu tư, phát triển các chính sách và giải pháp nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển thương mại.
*P.V: Việc triển khai kế hoạch thực hiện đề án hướng đến những mục tiêu nào, thưa bà?
- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Đề án hướng đến những mục tiêu như: Đến năm 2025, 100% cơ quan XTTM và trên 80% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái XTTM số và hơn 50% trong số này phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ XTTM của tỉnh nhằm hình thành, kết nối, liên thông với hệ sinh thái XTTM số. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp XTTM và các ngành hàng tiềm năng của tỉnh; 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ trên 300 lượt doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng kết nối; 25% số lượng hội chợ, triển lãm, lớp tập huấn được tổ chức trên môi trường số; 100% cơ quan XTTM thuộc tỉnh, tổ chức hỗ trợ XTTM và trên 300 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái XTTM số. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính lĩnh vực XTTM đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng số sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Thảo |
*P.V:Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động XTTM và được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện đề án, theo bà, ngành Công thương cần tập trung vào những giải pháp nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Sở Công thương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp mở tài khoản, khai thác thông tin và chia sẻ dữ liệu sau khi hệ sinh thái XTTM số được xây dựng hoàn thành. Phối hợp với các sở, ngành tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cao an toàn thông tin mạng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ thương mại trong môi trường số.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; đăng ký tiêu thụ sản phẩm OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên tại các cửa hàng, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hình ảnh, thông tin sản phẩm trên các cửa hàng trực tuyến; hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, trên các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để liên kết các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước và quốc tế, vận động các hội viên tham gia công tác XTTM, giới thiệu đến đối tác, bạn hàng, thương nhân các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương, sản phẩm OCOP của tỉnh.
*P.V:Xin cảm ơn bà!
VŨ THẢO (thực hiện)