TN - Đất & Người

Giá mít Thái giảm hẳn 5 lần, Đăk Lăk tính phương án giãn vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có lúc mít Thái "làm mưa, làm gió", nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng loại cây này. Nhưng cũng chính vì ham lợi nhuận mà hiện nay nhiều nông dân Đăk Lăk khốn khổ vì cây trồng này.
Mít Thái... rớt giá, nông dân lỗ nặng
Nếu trước Tết Nguyên đán, mít Thái được thu mua ở mức 15.000 đồng/kg thì hiện nay con số này đã giảm xuống 5 lần. 
Với giá 3.000 đồng/kg, mỗi ha mít Thái nông dân mất khoảng 500 triệu đồng so với thời điểm nửa năm trước. So với thời điểm giá mít ổn định 25.000 đồng/kg, nông dân mất hơn 900 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk) cho biết, năng suất mít Thái đạt trung bình 40 tấn/ha. Nếu giá ổn định ở mức 25.000 đồng/kg, nông dân thu về 1 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, còn lãi khoảng 700 triệu đồng. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, giá mít Thái chỉ 3.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm giá mít cao, thương lái "mua không chừa quả nào" (kể cả những quả sâu), thì hiện tại nông dân phải lựa hàng tốt mới bán được.
 
Ông Trần Văn Giang ở thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk, không bán được mít nên thi thoảng hái về cho dê ăn. Ảnh: Duy Hậu
Ông Trần Văn Giang ở thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk, không bán được mít nên thi thoảng hái về cho dê ăn. Ảnh: Duy Hậu
"Giá mít Thái giảm mạnh thời gian gần đây một phần do diện tích trồng mít tăng quá nhanh, sản lượng tăng cao, một phần do tiêu thụ khó khăn vì dịch Covid-19. Sự biến động của thị trường là chuyện thường xuyên xảy ra, ngay cả những nước có nền sản xuất tiên tiến, hiện đại hơn cũng không tránh được".
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Chưa bao giờ mít Thái rẻ như thế, cuối năm 2020, mỗi kg mít còn bán được 15.000 đồng, sau đó rớt xuống 7.000 - 8.000 đồng, rồi rơi luôn tới đáy như bây giờ. "Mọi năm thu đến đâu đều bán hết tới đó. Năm nay, thương lái lựa quả tốt mới mua. Vườn mít của tôi có đến hơn 50% sản lượng phải vứt bỏ, không bán được"- anh Nhàn nói.
Cũng theo anh Nhàn, mỗi ha mít Thái nếu được đầu tư bài bản, một năm hết trên 200 triệu đồng. Với mức giá như hiện nay, nông dân chẳng những không có lãi mà còn lỗ hơn 100 triệu đồng/ha.
Từ đầu vụ đến nay, anh Phan Văn Sáu (thôn 6, xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) chỉ mới bán được 1 tạ mít Thái, thu về 500.000 đồng. Hàng tấn mít còn lại, anh Sáu không thể bán cho ai nên cứ hái dần về cho gia súc ăn.
Tính phương án giãn vụ mít Thái
 
Giá mít Thái giảm sâu, người dân xã xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk đành cho dê ăn. (Ảnh: Duy Hậu).
Giá mít Thái giảm sâu, người dân xã xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk đành cho dê ăn. (Ảnh: Duy Hậu).
Nếu vài năm trước, ở Đăk Lăk, cây mít Thái chỉ được rất ít người trồng thì hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 2.000ha mít Thái. Với lợi thế dễ chăm sóc, trồng được cả trên đất cằn cỗi, nhanh cho thu hoạch, lợi nhuận lại cao, mít Thái đã tăng diện tích một cách đột biến.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có hơn 2.081 ha mít, tăng 362 ha so với năm 2019, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. 
Nếu vài năm trước, ở Đăk Lăk, cây mít Thái chỉ được rất ít người trồng thì hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 2.000ha. Với lợi thế dễ chăm sóc, trồng được cả trên đất cằn cỗi, nhanh cho thu hoạch, lợi nhuận lại cao, mít Thái đã tăng diện tích một cách đột biến. Tại huyện Cư M'Gar, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, nông dân đã phát triển hơn 400ha mít Thái, chủ yếu là giống Changai. Tuy nhiên con số này vẫn chưa dừng lại.
Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cư M'gar, cho biết, cây mít Thái đã từng đem lại cho nhiều nông dân thu nhập khá. Nhưng với việc giá tụt liên tục đã khiến rất nhiều nông dân bị ảnh hưởng. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, đầu ra của mít Thái vẫn hết sức khó lường.
Theo phân tích của ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, nguyên nhân khiến giá mít Thái giảm là do cung vượt cầu. Do thấy lợi nhuận lớn nên nông dân nhiều địa phương đã ồ ạt trồng mít Thái dẫn đến nguồn cung quá nhiều.
Mặc khác, thời điểm này tại các vùng miền Tây, Đông Nam Bộ, mít Thái cũng đang vào chính vụ. Việc này đã dẫn đến tình trạng nguồn cung cao quá ngưỡng. Bên cạnh đó, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do đó giá mít Thái trên thị trường giảm sâu.
Tuy nhiên, theo ông Côn, về lâu dài cây mít Thái vẫn là cây có lợi thế. Đây là 1 trong 9 loại quả của Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Do đó, nông dân không nên thấy giá thấp mà chặt bỏ, hoặc không chăm sóc. Tuy nhiên, nông dân cũng không nên mở rộng diện tích quá mạnh. 
Ngành nông nghiệp định hướng bà con nông dân nên áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt để giãn vụ, chuyển sang trồng mít theo tiêu chuẩn. Trong đó, người dân chú ý tìm hiểu kỹ ở khâu chọn giống, nhu cầu thị trường. 
"Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả mít, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
https://danviet.vn/gia-mit-thai-giam-han-5-lan-dak-lak-tinh-phuong-an-gian-vu-20210624175547.htm

Có thể bạn quan tâm