Kinh tế

Giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công mới chỉ đạt 10,32%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai được giao 4.461,193 tỷ đồng. Tính đến ngày 12-6-2023, đã phân bổ 4.148,4 tỷ đồng; tuy nhiên, giá trị giải ngân vốn toàn tỉnh mới chỉ thực hiện 428,123 tỷ đồng, đạt 10,32% kế hoạch vốn đã giao.

Cụ thể, trong số 4.148,400tỷ đồng đã phân bổ, vốn ngân sách địa phương được giao 2.222,503 tỷ đồng; đã phân bổ 2.091,404 tỷ đồng, đạt 94,10% kế hoạch vốn giao. Vốn ngân sách trung ương được giao 2.238,690 tỷ đồng; đã phân bổ 2.056,996 tỷ đồng, bằng 91,88% kế hoạch giao. Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đã giao 391,060 tỷ đồng.

Vốn chưa phân bổ là 316,193tỷ đồng, chiếm 9,76% so với tổng kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: Ngân sách địa phương chưa phân bổ 134,499 tỷ đồng; ngân sách trung ương chưa phân bổ 181,694 tỷ đồng

Gia Lai đang chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn
Gia Lai đang chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn

Tính đến ngày 12-6, giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 là 428,123 tỷ đồng, đạt 10,32% kế hoạch vốn đã giao, cụ thể: nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2023 giải ngân 337,862/2.091,404 tỷ đồng, đạt 16,15%; nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân 90,262/2.056,996 tỷ đồng, đạt 4,39% kế hoạch (trong đó, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 26,680/647,796 tỷ đồng đạt 4,12%; vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực 56,757/1.047,200 tỷ đồng đạt 5,42%; vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 6,825/362 tỷ đồng đạt 1,89%).

Đối với chủ đầu tư là các huyện, thị xã, thành phố thì tỷ lệ giải ngân chung là 13,6%; trong đó, giải ngân trên mức trung bình chung có 7 đơn vị, gồm: TP. Pleiku (18,2%), thị xã Ayun Pa (20,8%), các huyện: Chư Păh (15,4%), Chư Sê (29,4%), Đức Cơ (19,1%), Ia Grai (15,7%), huyện Mang Yang (13,8%). Giải ngân dưới mức trung bình chung có 10 địa phương, gồm: thị xã An Khê (8,7%); các huyện: Chư Prông (4,7%), Chư Pưh (11,1%), Đak Đoa (11,0%), Đak Pơ (1,8%), Ia Pa (4,5%), Kbang (8,9%), Kông Chro (7,3%), Krông Pa (12,3%), Phú Thiện (9,8%).

Đối với chủ đầu tư là các sở, ban, ngành của tỉnh thì tỷ lệ giải ngân chung chỉ đạt 5,5%; trong đó, các đơn vị có giá trị giải ngân, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (33,1%); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (12,0%); Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh (3,6%); Sở Nông nghiệp và PTNT (0,1%); Sở Kế hoạch và Đầu tư (31,8%); Sở Khoa học và Công nghệ (8,9%); Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (27,3%). Các đơn vị chưa có khối lượng thực hiện (0%) lẫn giải ngân (0%) gồm: các Ban quản lý rừng phòng hộ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm, Khu bảo tồn Kon Chư Răng, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Gia Lai.

Nguyên nhân của sự chậm trễ giải ngân một phần do cơ chế chính sách chưa thuận lợi làm chậm quá trình triển khai thủ tục đầu tư, thực hiện các dự án. Cùng với đó, việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có vốn để thanh toán. Đơn giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến năm 2022 làm vượt tổng mức đầu tư nhiều công trình nên gây khó khăn cho công tác lập dự toán của các công trình khởi công mới, phải điều chỉnh quy mô một số hạng mục nên phải điều chỉnh thiết kế, bản vẽ thi công nhiều lần.

Bên cạnh đó, một số công trình chưa được các địa phương triển khai quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; các địa phương phụ trách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công; một số dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất muộn cũng làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

Đối với công trình khởi công mới năm 2023, hầu hết đều đang ở bước triển khai thủ tục đầu tư và ưu tiên vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thi công để giải ngân. Đối với các công trình chuyển tiếp, hầu hết các chủ đầu tư đang đôn đốc các đơn vị thi công để có khối lượng và thực hiện trừ tạm ứng năm 2022 của các đơn vị thi công. Nhiều dự án thiếu đất đắp; thủ tục cấp mỏ đất đắp kéo dài thời gian và phức tạp.

Ngoài ra, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng hồ sơ liên quan đến dự án từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi đấu thầu chất lượng kém, phải làm đi làm lại gây mất nhiều thời gian.

Có thể bạn quan tâm