Kinh tế

Tài chính

Giá vàng hôm nay 6-2 tăng mạnh, USD suy yếu trên diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau 3 phiên giao dịch giảm tổng cộng 68 USD/ounce, giá vàng đã bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh USD đảo chiều suy yếu so với nhiều đồng tiền khác.
 

 


Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân rất lớn. Giá vàng trong nước có thể biến động bất thường (Ảnh: Tấn Thạnh)

Khoảng 6 giờ ngày 6-2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.812 USD/ounce, tăng mạnh 18 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước là 1.794 USD/ounce.

Trước đó, giá vàng SJC ngày 5-2 tại Việt Nam tăng 250.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,9 triệu đồng/lượng. Nhiều chủ tiệm vàng cho biết nhu cầu mua sắm vàng vào thời điểm giáp Tết rất lớn. Vì thế, khi giá vàng thế giới đi xuống chưa chắc giá vàng trong nước đã giảm. Thậm chí, giá vàng SJC có thể tăng nếu người dân mua nhiều hơn bán.

Giá vàng bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh giới đầu tư tài chính bán tháo USD khiến đồng tiền này đảo chiều suy yếu trên diện rộng, tạo động lực cho thị trường vàng thăng hoa.

Dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy thị trường lao động tiếp tục yếu kém khi chỉ có 45.000 việc làm trong tháng 1-2021, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng là 100.000 việc làm. "Đây là cái giá phải trả khi gói kích thích kinh tế 1.900 tỉ USD của Mỹ bị chậm lại"- cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein nhận xét.

Tuy nhiên, hãng Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đảng Dân chủ của ông đã thống nhất các vấn đề liên quan đến gói thích kinh tế để sớm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp Mỹ vượt qua Covid-19. "Tôi sẽ giúp đỡ những người dân Mỹ đang bị tổn thương vì dịch bệnh ngay bây giờ"- ông Joe Biden nói với Reuters.

Trong khi đó, bà Nancy Pelosi – Chủ tịch Hạ viện - dự đoán gói kích thích kinh tế có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 15-3 – thời điểm các khoản trợ cấp thất nghiệp đặc biệt do dịch bệnh hết hạn.

Có lẽ, các thông tin này làm giới đầu tư nghĩ hàng nghìn tỉ USD sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới. Nghĩa là "đồng bạc xanh" giảm giá mạnh, lạm phát tại Mỹ gia tăng, có lợi cho giá vàng. Theo đó, họ dồn vốn vào kim loại quý. Giá vàng tăng mạnh là tất yếu.

Biểu hiện rõ nhất là trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm ngày 4 đến rạng sáng 5-2, khi giá vàng xuống dưới 1.800 USD/ounce, một số quỹ đầu tư đã mua 2,95 tấn vàng; trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares mua 2,33 tấn.

Với gói kích thích kinh tế của Mỹ sắp được triển khai, giới kinh doanh dự báo USD tiếp tục giảm giá và nếu lạm phát thực sự trở lại thì giá vàng tăng mạnh mẽ.

Thế nhưng, nhiều nhà phân tích độc lập nhận định cuộc chiến giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục chi phối giá vàng. Bởi lẽ, thị trường luôn kỳ vọng năm 2021 kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Hiện tại, một phần của dòng tiền đang chảy vào chứng khoán và trái phiếu khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng đi lên. Các yếu tố này đang là lực cản đối với đà tăng giá vàng.

Theo Thy Thơ - Tấn Thạnh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm