Kinh tế

Tài chính

Giá vàng hôm nay 8-12: "Phi nước đại", các quỹ đầu tư chốt lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá vàng tăng mạnh dù thị trường còn bị nhiều yếu tố cản trở, các quỹ đầu tư liên tiếp bán ra thu lợi nhuận.

 Rạng sáng 8-12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.860 USD/ounce, tăng 21 USD so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước.
Rạng sáng 8-12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.860 USD/ounce, tăng 21 USD so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước.


Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 7-12, diễn biến của thị trường vàng hết sức ngoạn mục. Đầu phiên, giới đầu tư gần như chỉ bán ra làm giá vàng mất đi khoảng 10 USD/ounce, xuống còn 1.830 USD/ounce. Tiếp đến, họ lại mua vào kéo giá vàng vọt lên 1.843 USD/ounce. Sau đó, nhiều nhà đầu tư khác lại bán ra làm giá vàng rơi thẳng đứng 18 USD/ounce,. Lúc 19 giờ, thị trường bất ngờ tiếp nhận lực mua rất mạnh. Lập tức, giá vàng "phi nước đại" 42 USD/ounce, từ 1.825 USD/ounce lên 1.867 USD/ounce (lúc 23 giờ theo giờ Việt Nam). Tại mức giá này, có lẽ các quỹ đầu tư bán chốt lời với số lượng lớn buộc giá vàng phải giảm và đến đầu ngày 8-12 xuống còn 1.860 USD/ounce.

Tại Việt Nam, từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 7-12, do giá vàng thế giới chưa tăng mạnh nên giá vàng SJC chỉ tăng 50.000 đồng/lượng, đóng cửa giao dịch tại 55,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump và một số thành viên Quốc hội Mỹ ngỏ ý đồng thuận bổ sung gói cứu trợ kinh tế 908 tỉ USD, đồng nghĩa một lượng lớn USD được bơm ra thị trường đe dọa đồng tiền này giảm giá trong thời gian tới, có lợi cho giá vàng.

Mặt khác, việc Chính phủ Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số quan chức Trung Quốc; số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng, đặc biệt Tiểu bang California (Mỹ) bị phong tỏa vì dịch bệnh…khiến thị trường dự đoán quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, kinh tế Mỹ không thể nhanh chóng tỏa sáng.

Nhiều nhà đầu tư tài chính quyết định dịch chuyển dòng tiền từ thị trường chứng khoán Mỹ sang vàng, làm chỉ số Dow Jones (chỉ số của cổ ngành công nghiệp, dịch vụ, vận tải Mỹ) và chỉ S&P 500 (chỉ số cổ phiếu của 500 công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ) mất điểm. Theo đó, tại một số thời điểm, giá vàng tăng 42 USD/ounce.

Trong khi đó, hãng Bloomberg đưa tin nước Anh dự kiến tiêm vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer Inc. trên diện rộng vào hôm nay (8-12). Mỹ có thể bắt đầu tiêm vắc-xin vào ngày 11-12 nếu Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Công ty Pfizer Inc. vào ngày 10-12 tới đây. Đồng thời, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ - ông Alex Azar cho biết tất cả công dân nước này muốn tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ được thực hiện trước quý III/2021. Từ đó, không ít nhà đầu tư kỳ vọng "sức khỏe" kinh tế thế giới sớm bình phục. Họ giảm nhu cầu trú ẩn vào kim loại quý đẩy giá vàng đi xuống.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 phiên giao dịch của tuần trước, một số quỹ đầu tư bán ra cả 5 phiên với số lượng 41,58 tấn vàng. Riêng quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Share có 3 phiên bán ra với tổng cộng 10,5 tấn và 2 phiên không giao dịch.

Từ theo dõi động thái mua bán của các quỹ đầu tư vàng, hãng Bloomberg thông tin mức giá bình quân của 3.459 tấn vàng mà các tổ chức này nắm giữ vào giữa tháng 10-2020 là 1.365 USD/ounce, cho thấy từ đó đến nay họ đã tích lũy được lợi nhuận đáng kể.

Đây chính là yếu tố mà nhiều nhà đầu tư luôn lo ngại bởi với giá vàng hiện tại, vắc xin phòng ngừa dịch bệnh ngay càng tốt lên, các quỹ đầu tư có thể bán ra bất cứ lúc nào. Khi đó, giá vàng sẽ giảm không phanh.

Nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính Standard Chartered (Anh) - bà Suki Cooper nhận định việc triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ cho phép hoạt động đi lại và du lịch trở lại, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 phải mất một thời gian dài mới giúp kinh tế tăng trưởng thật sự. Như thế, trong khoảng thời gian đó, giá vàng vẫn có nhiều cơ hội để đi lên.

Theo Thy Thơ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm