Kinh tế

Tài chính

Giá vàng tiếp tục rơi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ sáu tuần trước sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell trong bài phát biểu tại Jackson Hole (bang Wyoming, Mỹ) khẳng định rằng kinh tế Mỹ cần chính sách tiền tệ thắt chặt trong khoảng thời gian nữa cho đến khi lạm phát trong tầm kiểm soát.

Kim loại quý sẽ thế nào trong thời gian tới là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư đang thủng túi vì vàng.

 

 Giá vàng miếng SJC giảm không theo kịp giá vàng thế giới. Ảnh: Ngọc Thắng
Giá vàng miếng SJC giảm không theo kịp giá vàng thế giới. Ảnh: Ngọc Thắng


Dự báo xuống 45 triệu đồng/lượng

Chỉ trong vòng 2 tuần, các nhà đầu tư nắm giữ vàng đã lỗ tới 1,6 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng/lượng vào cuối tuần qua, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 66 triệu đồng/lượng, bán ra 66,8 triệu đồng/lượng. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, vàng miếng SJC giảm giá. Nhưng đà giảm của vàng trong nước chưa ăn thua, kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm mạnh 25 USD/ounce vào cuối tuần qua, xuống 1.739 USD/ounce, nâng mức giảm trong 14 ngày qua lên 70 USD/ounce, tương ứng gần 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng quốc tế đã bị nhấn chìm sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole (bang Wyoming, Mỹ) về việc tiếp tục tăng lãi suất USD trong thời gian tới. Mặc dù lạm phát của Mỹ đã giảm từ mức 9,1% xuống 8,5% nhưng đây vẫn là mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. FED đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp trong thời gian qua với mức tăng 2,25% nhưng “không có lý do gì để dừng lại” lộ trình này. Khả năng trong cuộc họp tháng 9, FED sẽ có đợt tăng lãi suất mới để kéo mức lạm phát xuống mục tiêu 2% đã đặt ra. Thông tin này đã làm cho dòng vốn trên thị trường tháo chạy khỏi vàng, chứng khoán, chuyển dịch sang nắm giữ USD. Nhờ đó, giá USD tăng mạnh, chỉ số USD-Index lên 108,83 điểm.

Kết quả khảo sát vàng của Kitco News cho thấy một bức tranh không rõ ràng về giá vàng tuần này. Trong số 16 nhà phân tích tham gia, 6 nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng, 6 nhà phân tích cho rằng giảm, 4 nhà phân tích cho ý kiến trung lập về giá vàng. Còn các nhà đầu tư bán lẻ vẫn lạc quan về kim loại quý này. Kết quả khảo sát 561 phiếu thăm dò trực tuyến, trong đó 53% người dự đoán giá cao hơn, 27% cho rằng vàng giảm giá và 20% cho ý kiến trung lập. Ông Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, cho rằng FED đang xem xét lịch sử và những gì đã xảy ra trong những năm 1970 và đầu những năm 1980. Có vẻ như họ không muốn tình huống lạm phát kéo dài lặp lại và giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Thông tin này đã tác động đến giá vàng. Nhiều khả năng kim loại quý sẽ xuống dưới 1.700 USD/ounce trong tuần này, mức hỗ trợ mạnh ở 1.690 - 1.700 USD/ounce (tương ứng khoảng 47,9 triệu đồng/lượng - PV) và nếu có xuống 1.600 USD/ounce (tương ứng 45,3 triệu đồng/lượng - PV) cũng không phải là bất ngờ. Kỳ vọng với mức giá 1.690 USD/ounce, lực mua vàng xuất hiện sẽ đẩy giá trở lại mức 1.880 USD/ounce vào những tuần kế tiếp.

Nhà đầu tư trong nước lỗ nặng

Tốc độ giảm giá của vàng trong nước không theo kịp quốc tế, đẩy mức đắt đỏ lên hơn 17,5 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới. Đây chưa phải là mức cao nhất từ trước đến nay của giá vàng trong nước. Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty giao dịch hàng hóa HTS, cho rằng khả năng mức chênh lệch sẽ còn tiếp tục đẩy lên trong thời gian tới. Cụ thể, sau khi FED thể hiện quan điểm duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, giá vàng thế giới có thể giảm về 1.670 USD/ounce trong tuần tới. Nếu vàng thế giới về mức này, giá vàng trong nước sẽ theo biên độ 65 - 66 triệu đồng/lượng. Với mức giá nói trên, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước có thể vào khoảng 19 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm sâu dưới 1.648 USD/ounce, mức chênh lệch có thể sẽ bị đẩy lên cao hơn 20 triệu đồng/lượng bởi đà giảm của giá vàng trong nước thường chậm hơn giá vàng thế giới. Còn khả năng giá vàng thế giới giảm dưới 1.648 USD/ounce khó xảy ra trong ngắn hạn nhưng không thể loại trừ, bởi ngoài thông tin quan trọng là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, còn có cuộc họp để FED quyết định lãi suất trong tháng 9. Với mức dự báo như trên, những người mua vàng ở mức giá cao trên 70 triệu đồng/lượng hồi tháng 3 đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Giá vàng trong nước cuối tuần qua vẫn chưa phản ánh hết đà giảm giá mà giá thế giới đã “rơi”. Trong thời gian ngắn hạn, nhà đầu tư không nên mua vàng khi giá chênh lệch quá cao với giá thế giới và biến động thì bất thường, nhất là xu hướng đồng USD vẫn mạnh trên thế giới.

Tuy nhiên về dài hạn từ 1 năm trở lên thì có thể mua nhưng với tỷ trọng 10 - 30% danh mục đầu tư chứ không nhiều hơn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Maybank Investment Bank

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng cho rằng phát biểu của chủ tịch FED khá diều hâu dù đã được dự đoán trước đây. Thị trường chỉ hơi ngạc nhiên là lạm phát đã giảm mà FED vẫn chưa công bố đó là mức đỉnh và tiếp tục tăng lãi suất. Ông Khánh dự báo, giá vàng quốc tế có thể sẽ “cù cưa” ở mức 1.600 - 1.700 USD/ounce nhưng không rớt nhanh. Còn giá vàng miếng SJC có giảm theo hay không phụ thuộc nguồn cung trong nước. Trong trường hợp thị trường bán mạnh như hồi tháng 7, khả năng giá giảm sâu về mức 60 triệu đồng/lượng. Còn không, giá vàng sẽ được giữ ở mức cao đến từ giá trong nước cao hơn quốc tế lên lại mức 20 triệu đồng/lượng. Cũng như các thị trường khác đang xuống giá, đầu tư vàng thời điểm này lỗ nên nhà đầu tư cần cân nhắc.
 

Theo Thanh Xuân (TNO)

Có thể bạn quan tâm