Kinh tế

Giấc mơ trái cây "Chơ Long"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng khắp 3 miền đã được anh Lê Văn Thọ mang về trồng thành công tại thôn 9, xã Chơ Long, huyện Kông Chro.  Không chỉ giúp gia đình vượt qua khốn khó, “gia tài” này còn thôi thúc anh bắt tay gầy dựng một thương hiệu trái cây trên vùng đất nghèo.

Thoát nghèo không khó

Anh Thọ sinh năm 1986 tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1999, anh theo gia đình vào Kông Chro-Gia Lai rồi 3 năm sau đó chuyển về xã Chơ Long sinh sống cho đến giờ.

 

Một góc vườn của anh Thọ. Ảnh: Hồng Thi
Một góc vườn của anh Thọ. Ảnh: Hồng Thi

Ngày đó, từ 15 triệu đồng tích góp được, gia đình anh mua 5 ha đất, dựng tạm cái nhà để ở và bắt đầu phát triển kinh tế với cây bắp, đậu, mì. Tuy nhiên, những cây trồng này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, giá cả lại lên xuống thất thường nên cái nghèo, cái đói cứ thế bám riết. Cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi bố anh lâm bệnh qua đời. Anh Thọ- lúc đó mới 14 tuổi, đang theo học lớp 7-đã quyết định nghỉ học ở nhà đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ mua gạo và lo cho 3 anh em còn lại của mình tiếp tục được đến trường.

Cũng chính trong khoảng thời gian này, anh Thọ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm liên quan đến sản xuất nông nghiệp và quay về áp dụng hiệu quả ở gia đình. Diện tích trồng bắp, trồng mì dần thu hẹp, thay vào đó là những trụ tiêu tươi tốt, những ruộng mía xanh ngắt cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Thêm vào đó, anh còn nghiên cứu, tìm tòi các giống cây ăn quả “có tiếng” khắp nơi mang về trồng và nhân rộng. Năm 2004, thanh long Bình Thuận (cả ruột đỏ lẫn ruột trắng) lần đầu tiên được anh đưa về vùng đất Chơ Long; tiếp đó là mít không hạt, sầu riêng, xoài, hồng xiêm, nhãn lồng, vải thiều, na, bưởi da xanh… cũng lần lượt theo về.

Không tránh khỏi đôi lần thất bại vì kinh nghiệm còn hạn chế cộng với rủi ro do thiên tai, song chàng thanh niên này vẫn không hề nản chí. Anh Thọ nhớ lại: “Hồi trước mình cứ nghĩ trồng xen xoài với mía, mì sẽ tiết kiệm diện tích nhưng lại là một sai lầm lớn bởi cây rất dễ bị bệnh. Mấy trăm cây xoài đều bị sâu đục thân phá hoại rồi chết dần; số còn lại gặp bão nên cũng ngã đổ hết. Tôi xót xa lắm nhưng mà coi đó là bài học kinh nghiệm cho mình”.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài-dám nghĩ dám làm-không sợ thất bại, đến nay, anh Thọ đã có trong tay 1.000 trụ tiêu, 5 ha mía, 2 ha mì, 1 ha thanh long, 350 cây bưởi da xanh, 400 cây mít không hạt… và nhiều loại cây trồng khác nằm rải rác trên tổng diện tích 10 ha đất của gia đình. Ngoài ra, anh còn đào 3 ao thả cá, nuôi hơn chục con heo rừng. Trừ chi phí, anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.

Ước mơ về thương hiệu “Trái cây Chơ Long”

 

Anh Thọ bên vườn thanh long của mình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Thọ bên vườn thanh long của mình. Ảnh: Hồng Thi

Khi sự khó khổ dần qua đi, các anh em trong gia đình đã thành danh và có việc làm ổn định cũng là lúc chàng thanh niên Lê Văn Thọ bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ bấy lâu: Xây dựng thương hiệu “Trái cây Chơ Long”.

Để thực hiện mục tiêu đó, anh Thọ không ngừng trau dồi kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả; liên tục trồng cập nhật những loại cây trái phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng tại địa phương đang được thị trường ưa chuộng; đồng thời bỏ thời gian đi học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình hiệu quả trên khắp cả nước.

 

Với những nỗ lực của mình, anh Lê Văn Thọ đã được Tỉnh đoàn tặng bằng khen, UBND huyện Kông Chro tặng giấy khen cho thanh niên sản xuất-kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2015.

Không dừng lại ở việc chăm lo phát triển ổn định vườn cây của mình, anh Thọ còn sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn kinh nghiệm cho những ai trong xã có ý định phát triển cây ăn quả. Bởi lẽ, theo anh chia sẻ, muốn tạo được thương hiệu “Trái cây Chơ Long”, trước hết phải xây dựng được một vựa trái cây có quy mô lớn, ổn định, đảm bảo năng suất, chất lượng và tiêu chí đặc biệt là phải sạch sẽ, an toàn. Việc này một mình anh không thể làm được mà cần phải có sự chung tay của tất cả bà con trong vùng.

Anh Thọ cho biết: “Những năm gần đây, trung bình mỗi ngày, tôi giúp tạo công ăn việc làm cho 2-3 người là dân tộc Bahnar trong xã, cao điểm lên tới 5-7 người/ngày. Khi làm cho tôi, họ vừa có thu nhập lại vừa tiếp cận được phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch trái cây. Qua đó cũng có thể áp dụng trồng tại nhà mình. Ai thắc mắc gì, tôi đều sẵn sàng giải đáp”.

Hiện nay, trái cây của anh qua thương lái đã đến được với người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh và có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác như: Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Thời gian tới, anh sẽ giảm dần diện tích cây ngắn ngày và tiếp tục mở rộng thêm 5 ha để phát triển cây ăn quả. Song song với đó, anh sẽ tiến hành ươm, chiết, ghép cây giống để bán cho những người có nhu cầu trên địa bàn. “Chỉ cần chính quyền địa phương có cơ chế khuyến khích hợp lý và hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi tin rằng nông dân chúng tôi sẽ xây dựng được một thương hiệu trái cây cho mình”-anh Thọ kỳ vọng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm