TN - Đất & Người

Giấc mơ từ Tu Mơ Rông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Được thiên nhiên phú cho giống sâm quý, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã xem đấy như là cách để đồng bào dân tộc không chỉ thoát nghèo mà phải làm giàu bằng sâm
Vừa kịp né vào vệ đường, bụi đặc ngầu đã chụp lên tôi. Thì ra là một chiếc xe máy đang đổ đèo với cành cây kéo lê đằng sau làm hãm tốc. Vậy là tôi đã vào quãng dốc nhất của đèo Măng Rơi. Rồi khi khoảng nhìn mở ra trước mắt, cũng là lúc bên này đèo nắng đang vàng nghệ. Những cơn gió chẻ theo lạch núi, lồng lên như roi quất.
Như một sự bù trừ bí ẩn
Với nhiều người, Tu Mơ Rông vẫn là một vùng đất xa lạ. Chuyện rằng, xưa có đôi trai gái vì dám chống lại lệ tục nên bị làng đuổi. Họ tới đây sinh sống rồi theo thời gian, những gia đình cùng cảnh ngộ khác theo đến. Cứ thế, làng lớn dần.
Thực ra thì trước câu chuyện đượm màu truyền thuyết này, Tu Mơ Rông đã là nơi cư trú của các dân tộc Bắc cao nguyên. Những dãy núi chất ngất, sít nhau như răng lược, trở thành nơi ẩn cư lý tưởng. Đây cũng là lý do Tỉnh ủy Kon Tum chọn đặt căn cứ ở Tu Mơ Rông trong thời chống Mỹ.
Thành lập đã 15 năm, Tu Mơ Rông giờ vẫn là vùng đất heo hút với tỉ lệ hộ nghèo trên 40%. Không nghèo sao được khi cây mì cắm xuống cũng phải 2 năm mới cho củ. Lúa rẫy mỗi năm chỉ một vụ được mất nhờ trời.
Nhưng dường như có một sự bù trừ bí ẩn nào đó của tạo hóa như người xưa vẫn tin "trời sinh voi ắt sinh cỏ". Bởi vùng đất nghèo này lại chính là nơi phát hiện ra thứ dược liệu "Quốc bảo": Sâm Ngọc Linh.
Du khách tham quan một vườn sâm ở Tu Mơ Rông
Du khách tham quan một vườn sâm ở Tu Mơ Rông
Nói tới sâm Ngọc Linh, nhiều người vẫn nghĩ đến vùng núi Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) mà không biết một trong những "xứ sở" của nó là tại xã Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông, cùng tỉnh Kon Tum. Năm 1973, các chuyên gia về dược phát hiện loại sâm quý này. Nói phát hiện nhưng kỳ thực hàng đời trước đồng bào Xê Đăng đã biết dùng rồi.
Với độ cao quân bình 1.000 m so mực nước biển, núi non cùng hệ thống Ngọc Linh cao ngất điệp trùng, Tu Mơ Rông chính là vùng đất lý tưởng cho giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng.
Trước những năm 1980, sâm Ngọc Linh "tìm dễ như rau rừng". Chính tôi đã mục kích điều này khi lên Đắk Glei công tác. Bấy giờ, ra chợ vẫn thấy đồng bào gùi từng gùi đi bán mà chẳng mấy người mua.
Bây giờ thì quên chuyện cũ đi. Từ khi có việc công bố sâm Ngọc Linh chứa tới 52 hợp chất Saponin, trong đó có 26 hợp chất mà sâm Hàn - Triều hay sâm Mỹ không có, rồi tôn lên "Quốc bảo" thì cái giá của nó cứ mỗi ngày mỗi tăng vọt. Ngay tại Tu Mơ rông này, giờ muốn mua cũng khó. Bởi sâm tự nhiên thì bói chẳng ra. Sâm trồng thì còn phải giữ để nhân giống, ít ai có để bán. Mỗi ký loại tốt phải trên trăm triệu đồng. Giá chót vót như thế nhưng không có chỗ quen biết hay nhờ người thật rành thì vẫn dễ mua phải sâm non hay sâm giả.
Cháy lên ước mơ thầm kín
Dẫn tôi lên vườn sâm của mình, A Hình - người được mệnh danh là "Vua sâm" ở xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) - kể chuyện đời mình.
Hồi chống Mỹ, ông già anh là liên lạc của xã. A Hình được ra Bắc học. Năm 1988, khi anh đang làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc thì Đông Âu xảy ra biến cố. Mất học, về nước, A Hình vào làm ở công ty thương nghiệp huyện. Rồi công ty đổ bể, anh phải quay về làng.
Có cách nào thoát khỏi phận nghèo từ cây lúa rẫy? Câu hỏi cứ hằng đêm xoáy vào giấc ngủ.
Bất ngờ năm 2009, một thầy giáo ở Trường ĐH Đà Lạt về Tê Xăng làm đề tài khoa học, cho biết mang theo 800 cây giống sâm Ngọc Linh cùng 850 triệu đồng. Ai nhận làm, thầy sẽ đầu tư toàn bộ và hướng dẫn kỹ thuật.
Bấy giờ, tin nhiều nhà bên xã Ngọc Linh (huyện Đắk Glei) nhờ trồng sâm mà thành triệu phú cũng đã đến đất Tê Xăng này rồi. Một ước mơ thầm kín cháy lên trong A Hình.
Nhưng năm 2009, số tiền 850 triệu đồng lớn lắm. A Hình bụng cũng run nhưng nghĩ phải liều. Ngần ngừ mãi, cuối cùng A Hình đề nghị nếu cây chết không bắt đền thì nhận. Thầy giáo cười rồi làm cho anh cả giấy cam đoan.
Dù số sâm ban đầu chỉ sống 50% nhưng từ nguồn cây giống đó, giờ A Hình đã nhân lên thành 3.000 gốc. Người ta bảo thật khó biết đích xác diện tích sâm thực có của ông "vua" này. Nhưng chỉ tính số gốc trên 7 năm tuổi, rồi so với thời giá thì A Hình cũng đã nắm trong tay ít ra là 4 tỉ đồng.
Hình như những cây thuốc quý bao giờ cũng mang một vẻ gì đó rất khiêm nhường. Trước lúc tận mắt thấy cây sâm Ngọc Linh, giá có giẫm lên tôi cũng chẳng hay. Nó chỉ độc một thân vươn thẳng từ đất rồi tỏa ra bốn cánh lá đều nhau. Bình dị thế nhưng nó có một quy trình sinh trưởng khá độc đáo.
"Vua sâm" A Hình giới thiệu với du khách sản phẩm sâm Ngọc Linh do chính tay anh trồng
"Vua sâm" A Hình giới thiệu với du khách sản phẩm sâm Ngọc Linh do chính tay anh trồng
Theo sự mô tả của A Hình, cứ vào độ giêng hai, từ rễ củ dưới đất, cây sâm đâm lên một cuống lá rồi tỏa ra. Vài tháng sau, từ đỉnh cuống nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương mỡ màng. Mỗi năm, sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ có một thân lá đó. Đến chừng tháng 11, hạt chín thì lá cũng rụi và sâm chuyển sang thời kỳ "ngủ đông".
"Sống lâu như sâm"
Sâm Ngọc Linh có thể nhân giống bằng củ và hạt. Ở Tê Xăng, người ta chủ yếu dùng hạt.
Mỗi năm, cây chỉ lớn được một đốt và mỗi chùm hoa có thể thu được 17-18 hạt. Không cần xử lý, cứ hạt chín là gieo luôn xuống đất. Nhân giống không khó, khó là bảo vệ và chăm sóc, vì nhím, sóc, dúi, tê tê… rất khoái củ của loài cây này. Các loài chim thì tìm cách vặt hạt. Cho nên, vườn phải có lưới sắt chôn sâu xuống đất, rồi khi cây ra hoa thì phải chụp ngay cho nó một chiếc mủ đan bằng mây để bảo vệ.
Đất rừng mênh mông nhưng không phải nơi nào cũng trồng được sâm. Ngoài yêu cầu độ cao từ 1.200 m trở lên, đất phải có tầng mùn dày, chỉ tiếp nhận ánh nắng từ 30%-40%. Để bảo đảm tính chất tự nhiên, việc làm đất, chăm sóc đều bằng thủ công; đặc biệt không được bón bất kỳ một loại phân gì, kể cả phân hữu cơ. Để thúc đẩy tăng trưởng thì chỉ có cách lấy lá cây mục bóp vụn, rải đều trên mặt luống.
Có lẽ bởi "sống lâu như sâm" mà tôi có cảm giác thời gian ở Tu Mơ Rông trôi rất chậm. Hạt sâm gieo xuống đất, phải 5 tháng mới nhú mầm. Sâm trồng đến năm thứ 3 mới ra hoa. Một năm chỉ có 6 tháng được thấy sâm hiển hiện trên mặt đất. Vườn sâm vì vậy cứ ngưng đọng trong một khung cảnh, một hợp âm quen thuộc của đại ngàn. Có lẽ chỉ những người lớn lên từ cái nôi của rừng như A Hình mới đủ kiên nhẫn "ngậm ngải" trồng sâm.
Phải thành xứ sâm
Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông là A Hơn, mang bình rượu sâm Ngọc Linh bảo tôi nếm thử. Tôi ngậm thật lâu để thưởng thức vị ngọt đắng thật đặc trưng. Tôi đùa anh là chủ tịch huyện nghèo nhất nhưng lại sướng nhất nước vì đến rượu "Quốc bảo" mà muốn uống là có. A Hơn cười ồ.
Được thiên nhiên phú cho giống sâm quý, Tu Mơ Rông phải thành xứ sâm. Đồng bào dân tộc không chỉ thoát nghèo mà phải làm giàu bằng sâm.
Một vườn ươm sâm giống ở Tu Mơ Rông
Một vườn ươm sâm giống ở Tu Mơ Rông
Muốn thế, diện tích sâm Ngọc Linh phải đạt 500 ha vào năm nay. Nhưng hiện tại, dân toàn huyện mới trồng được 24 ha. Nhưng đấy đã là sự tăng tốc quyết liệt. Vì gần chục năm trước 2016, cả huyện chỉ trồng được có 3,4 ha.
Chính những người tiên phong như A Hình đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của bà con dân tộc nơi đây. Điểm nghẽn bây giờ chính là cây giống. Bởi loài cây này phát triển chậm nên hạt giống rất đắt. Bình quân phải trên trăm ngàn đồng một hạt. Đầu tư cho 1 ha sâm, chỉ riêng giống đã mất hơn nửa tỉ đồng.
Bù lại, ở Tu Mơ Rông hiện đã có 2 doanh nghiệp trồng được 485 ha. Sự tăng tốc vườn sâm trong dân thời gian qua là có vai trò của 2 công ty này. Bởi thay vì tiền, công ty trả công cho dân bằng sâm giống. Nên tính chung, Tu Mơ Rông đã có trên 500 ha sâm Ngọc Linh. Tôi chưa nghe tin địa phương nào có nhiều diện tích sâm Ngọc Linh như vậy. Tư duy chắc ăn với cây mì - hiểm họa khiến cho từng mảng rừng bị cạo trắng - xem ra đang dần lùi bước ở vùng này.
Cuộc sống sung túc như người dân trồng sâm ở huyện Ham Yang của Hàn Quốc cũng chẳng phải là điều gì quá xa vời mà người dân Tu Mơ Rông không thể đạt tới. Vấn đề chỉ là hai chữ "quyết tâm" đến đâu của chính quyền và người dân.
A Hơn ngồi lặng sau khi đưa ra hàng loạt câu hỏi cho chính anh. Tôi mở một phiến hoa sâm ép vào cuốn sổ. Trong hơi lạnh tàn đêm, cảm giác mùi hương thoang thoảng của nó đang kết lại bao nhiêu là sương khói tháng năm. 
Bây giờ, tôi tin nhờ sâm Ngọc Linh mà Tu Mơ Rông rồi sẽ thu hút được du khách, vì họ sẽ được mục sở thị những nhành sâm mua ngay trong vườn chứ không phải với kiểu “thuốc giấu” như lâu nay.
Theo Bài và ảnh: Ngọc Tấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm