(GLO)- Hợp tác xã (HTX) muốn hoạt động thì phải có vốn. Nhưng tư cách pháp nhân (có tài sản thế chấp) để ngân hàng cho HTX vay vốn còn chưa rõ ràng, vì vậy cần tháo gỡ. Phát biểu tại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Trong thời gian tới, sẽ có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam. Từ nguồn này, tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ cho các HTX không có tài sản thế chấp, nhưng các HTX phải có phương án đầu ra. Chúng tôi sẽ cho vay đối với các dự án liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX với số vốn lên tới 70-80% tổng số vốn của dự án đó. Các doanh nghiệp ký kết với HTX cũng sẽ được cho vay trực tiếp như vậy để thực hiện dự án”.
Như vậy là có mục tiêu để hình thành liên kết giữa doanh nghiệp và HTX. Nhưng những mối liên kết này phải thực chất, dự án phải khả thi thì ngân hàng mới “mở hầu bao” cho vay vốn. Sự ngần ngại của ngân hàng là có lý do, vì nhiều HTX phi nông nghiệp khi được vay vốn đã kinh doanh không hiệu quả, dẫn tới nợ xấu.
Liên kết với doanh nghiệp không chỉ nhằm vay vốn cho dự án, mà quan trọng hơn, là tính được đầu ra cho sản phẩm. (ảnh internet) |
Nhưng vay được vốn mới là khởi đầu để HTX có điều kiện làm ăn, còn làm ăn như thế nào, lời lãi ra sao, trả nợ ngân hàng thế nào lại cần các thành viên HTX bàn bạc, trao đổi, tìm giải pháp và đi tới những đồng thuận, nhất trí trong thực hiện các dự án, dù nhỏ. Đó là tiền đề để mô hình nông hội (có nơi còn gọi là hội quán) ra đời.
Nông hội là thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, tự lập, tự chủ, hoạt động theo nguyên tắc “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Nông hội đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản. Như vậy, nông hội không phải là tổ chức chính trị-nghề nghiệp nên Nhà nước hoàn toàn không hỗ trợ tiền bạc hay trụ sở gì cả. Mô hình này vừa có tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, một số quốc gia tiên tiến như Israel hay Nhật Bản đã áp dụng rất thành công, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Như thế, khi HTX vay được vốn thì phải bàn cách làm ăn như thế nào để không hụt vốn, mà trái lại phải có lời, thu nhập không chỉ chia được lợi nhuận cho thành viên mà còn trả được nợ ngân hàng. Nông hội chính là “sân tập hợp” để nông dân bàn tính cách làm ăn, lại được hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ năng, cách tính toán để chuyên nghiệp hóa trong tổ chức sản xuất và tính lợi nhuận.
Liên kết với doanh nghiệp không chỉ nhằm vay vốn cho dự án, mà quan trọng hơn, là tính được đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm và muốn sản phẩm tiêu thụ được thì phải sản xuất ra những sản phẩm sạch, từ tiêu chuẩn organic tới tiêu chuẩn GAP. Một khi ngân hàng khảo sát thấy HTX sản xuất có sự bền vững, lại có Liên minh HTX “bảo trợ”, họ sẽ yên tâm cho vay vốn. Lúc bấy giờ, vai trò của các nông hội sẽ nổi lên như là nơi tập hợp nông dân để bàn bạc, tìm hướng sản xuất bền vững và tìm sự đồng thuận trước mỗi quyết định về vốn vay hay thực hiện dự án.
Đây là mô hình kinh tế dân chủ mà các nước tiên tiến đã thực hiện thành công. Không có lý do gì để chúng ta khước từ mô hình thành công ấy.
Vậy người ta sẽ hỏi: “Vai trò của chính quyền ở đâu trong chuỗi liên kết ngân hàng-doanh nghiệp-HTX-nông hội này? Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có câu trả lời: “Có 2 chính sách đặc thù được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh: một là hỗ trợ người tốt nghiệp đại học trở lên về làm việc tại HTX nông nghiệp, hai là hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tại các khu, vùng tập trung đất đai”.
Đó là sự hỗ trợ rất cụ thể: một là về thu hút chất xám, hai là về đánh giá và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Cả 2 mục đích này là tối cần thiết cho các HTX trên con đường phát triển bền vững. Yếu tố chất lượng con người trong hỗ trợ thứ nhất và yếu tố chất lượng sản phẩm trong hỗ trợ thứ hai, nếu tỉnh thực hiện tốt cả 2 hình thức hỗ trợ này thì việc vay vốn ngân hàng sẽ không còn khó khăn nữa.
THANH THẢO