Thời sự - Sự kiện

Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIII: Dấu ấn tâm huyết, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 7-1, lễ tổng kết và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIII được trang trọng tổ chức tại TP. Pleiku. Đây là sự kiện ghi nhận nỗ lực, bản lĩnh, tâm huyết và sáng tạo của đội ngũ nhà báo, phóng viên trong hoạt động chuyên môn, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Khẳng định uy tín của một “sân chơi” chuyên nghiệp

Năm 2024, Ban tổ chức giải đã nhận được 127 tác phẩm dự thi thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Trong số này, loại hình báo điện tử có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất (49 tác phẩm); tiếp đó là báo in (32 tác phẩm); phát thanh (24 tác phẩm); truyền hình (22 tác phẩm).

Theo thống kê của Ban tổ chức, số tác phẩm dự thi tăng 37 tác phẩm so với năm trước; số tác giả, nhóm tác giả các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh tham gia giải cũng đông đảo hơn.

Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIII tiếp tục ghi nhận sự đa dạng, phong phú về đề tài, hấp dẫn về cách thể hiện, mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh kịp thời và sinh động các vấn đề của địa phương, khu vực.

Nhiều tác phẩm bám sát chủ đề thời sự, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh-quốc phòng, cách thức thể hiện sinh động và lôi cuốn như: Chống “diễn biến hòa bình” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tác giả Bích Hà, Hội Nhà báo tỉnh); Trở về đức tin (nhóm tác giả Phạm Hồng Sơn-Hữu Trường-Lê Ánh-Bảo Hân, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh); Vì bình yên buôn làng (nhóm tác giả Minh Triều-Lê Anh-Phương Dung-Phương Duyên, Báo Gia Lai); Đắng cay “miền đất hứa” (tác giả Trần Hiền, Báo Nhà báo và Công luận)…

1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao giải A cho các nhóm tác giả có tác phẩm thuộc loại hình báo in và báo điện tử. Ảnh: Đ.T

Các lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển du lịch… cũng được phản ánh đậm nét, sinh động thông qua các loạt bài, phóng sự được thực hiện công phu như: Gia Lai đẩy mạnh thu hút đầu tư: Vì sự lớn mạnh của nền kinh tế (nhóm tác giả Ngọc Hà-Ngô Thanh, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh); Nhiều nút thắt được tháo gỡ khi quy hoạch được phê duyệt (nhóm tác giả Hồng Uyên-Viễn Khánh, Đài PT-TH tỉnh); Thị trường bất động sản “đóng băng” (nhóm tác giả Lê Anh-Sơn Ca-Hồng Thương, Báo Gia Lai); “Khát nước” bên công trình thủy nông (nhóm tác giả Ngọc Sang-Quang Tấn-Hồng Thi-Trần Dung, Báo Gia Lai); Những lớp học không giáo án (tác giả Nguyễn Hiền, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ)…

Những nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc và các điển hình trong đời thường cũng được khắc họa đậm nét như với các tác phẩm: Anh hùng Núp-Người con bất tử của đại ngàn Tây Nguyên (nhóm tác giả Song Nguyễn-Hữu Lanh-Phi Long-Năng Hùng, Đài PT-TH tỉnh); Ông già nối đôi bờ sông Ba (tác giả Phạm Tấn Lực, Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh); Cô gái ngồi xe lăn làm phim hoạt hình triệu view (tác giả Lê Văn Ngọc, Báo Gia Lai)…

2.jpg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hoàng Bình (thứ 3 từ phải sang) và Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên (thứ 4 từ trái sang) trao giải cho các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải B. Ảnh: Đ.T

Thay mặt Thường trực Ban tổ chức giải, nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh-đánh giá: Các tác phẩm đạt giải năm nay đều có sức nặng về nội dung tư tưởng, tính phát hiện và tính chiến đấu, sáng tạo trong cách thể hiện, có tác động tích cực đến xã hội.

Nội dung các tác phẩm phản ánh khá toàn diện tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều tác phẩm không ngại tiếp cận những vấn đề “nóng”, một số vụ việc, vấn đề báo chí nêu và được các ngành hữu quan, chính quyền địa phương tiếp thu, xử lý.

“Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIII-2024 tiếp tục thể hiện uy tín của một giải báo chí chuyên nghiệp, ngày càng quy mô, có sức thu hút với đội ngũ người làm báo (…). Đây là sân chơi bổ ích để hội viên, phóng viên, nhà báo giao lưu, học hỏi nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong thời đại công nghệ số”-nhà báo Trần Quốc Anh nhấn mạnh.

8a4602150105bd5be414.jpg
Nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh nhận xét về chất lượng tác phẩm. Ảnh: Đ.T

Sau 2 vòng chấm sơ khảo, chung khảo với sự tham gia “cầm cân nảy mực” của những nhà báo có uy tín, có kinh nghiệm chuyên môn cao cùng một số nhà quản lý trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, Ban tổ chức đã lựa chọn 40 tác phẩm báo chí xuất sắc để trao 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 16 giải khuyến khích.

Trong đó, giải A ở các loại hình được trao cho 4 tác phẩm: “Đánh thức” di sản (nhóm tác giả Kim Ngân-Ngọc Dung-Minh Diện-Hồng Kin, Đài PT-TH tỉnh); Ấm no từ thủy lợi Plei Keo (nhóm tác giả Đức Hải-Thanh Sáng-Dương Trung, Đài PT-TH tỉnh); Vì bình yên buôn làng (nhóm tác giả Minh Triều-Lê Anh-Phương Dung-Phương Duyên, Báo Gia Lai); Chiến trường K-“Mùa chinh chiến ấy” (nhóm tác giả Phương Duyên-Hoàng Ngọc, Báo Gia Lai).

Tiếp thêm “lửa nghề”

Cũng trong chiều 7-1, Ban tổ chức đã phát động Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV-2025. Đối tượng tham dự giải là công dân Việt Nam bao gồm những người làm báo chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh Gia Lai, có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của giải thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.

Tác phẩm báo chí được xét thưởng phải có nội dung phản ánh sự kiện và vấn đề của tỉnh Gia Lai; trong đó, khuyến khích những tác phẩm về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; viết về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng…

Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 30-5-2025 (theo dấu bưu điện). Dự kiến Ban tổ chức công bố và trao giải thưởng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Vốn là nghề vất vả, áp lực, thậm chí nguy hiểm, tuy vậy, niềm hạnh phúc trong công việc cũng như sự ghi nhận kịp thời, xứng đáng là động lực lớn để đội ngũ những người làm báo tiếp tục lao động, cống hiến.

Đại diện nhóm tác giả thực hiện phóng sự truyền hình “Trở về đức tin” vừa được trao giải B Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIII-2024, Thượng tá Phạm Hồng Sơn-Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh-cho biết: Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” là dấu ấn đậm nét trong công tác vận động những người lầm lỗi theo FULRO, “Tin lành Đê ga” quay về với tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận mà Công an tỉnh xây dựng rất thành công.

Do vậy, mô hình được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trên toàn quốc.

“Chúng tôi đã bám sát các hoạt động triển khai ở cơ sở để vừa ghi lại hình ảnh, vừa lựa chọn những nhân vật tiêu biểu để đưa vào phóng sự một cách sinh động, chân thực nhất.

Trong đó, nhiều nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả. Họ là những người từng cầm đầu tổ chức phản động FULRO trước đây nhưng nay hăng hái đi đầu trong việc vận động những trường hợp khác từng lầm lỗi cùng quay về con đường sáng. Những lời cảm ơn chân thành, những nụ cười rạng rỡ của họ đã làm nổi bật tính chân thực của phóng sự và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ”-Thượng tá Sơn nhấn mạnh.

cc68eac6e8d654880dc7.jpg
Ban Tổ chức trao giải cho nhóm tác giả đạt giải C. Ảnh: Đ.T

Với lợi thế theo dõi mảng văn hóa nhiều năm, nhà báo Kim Ngân (Đài PT-TH tỉnh) đã tập hợp được nhiều hình ảnh đẹp, tư liệu hay kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để cùng đồng nghiệp thực hiện phóng sự “Đánh thức di sản” (tác phẩm đạt giải A thể loại báo nói).

Nhà báo Kim Ngân chia sẻ: “Phóng sự nêu bật tiềm năng, lợi thế của Gia Lai về các loại hình di sản cũng như sự tiên phong của người dân tại một số buôn làng trong phát huy vốn quý văn hóa. Đồng bào Jrai, Bahnar-chủ thể văn hóa tại Gia Lai chính là cảm hứng lớn nhất của chúng tôi khi bắt tay thực hiện tác phẩm trên.

Bằng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, bà con đã giới thiệu những sản phẩm văn hóa đặc trưng, biết cách làm du lịch dựa vào di sản văn hóa. Điều này khẳng định sức sống của di sản, của các giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại”.

Cũng phản ánh đề tài văn hóa, phóng viên Nguyễn Hiền (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ) đạt giải B với tác phẩm “Lớp học không giáo án” phản ánh các lớp truyền dạy văn hóa trên địa bàn như: dạy thổi khèn của người Mông, dạy cách diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc của đồng bào Bahnar.

“Các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân tộc cho lớp trẻ bằng tất cả đam mê, tâm huyết mà không cần giáo án, thù lao. Sự tâm huyết ấy đã khiến lớp trẻ từ chỗ không mặn mà chuyển sang yêu thích và học hỏi nghiêm túc để gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Bà con chủ yếu truyền dạy vào buổi tối nên để thu thập tư liệu, tôi cũng dành thời gian làm việc vào ban đêm. Vất vả nhưng với tôi đó cũng là niềm vui trong công việc”-tác giả Nguyễn Hiền cho hay.

3.jpg
Quang cảnh lễ tổng kết và trao giải. Ảnh: Đ.T

Chia sẻ về quá trình thực hiện loạt bài 5 kỳ: Chiến trường K-“Mùa chinh chiến ấy” đạt giải A ở loại hình báo in, nhà báo Hoàng Ngọc chia sẻ: “Khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi có rất nhiều áp lực vì đây là loạt bài được Ban Biên tập Báo Gia Lai chỉ đạo thực hiện nhân kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.

Tìm gặp nhiều nhân vật không chỉ ở Gia Lai mà còn ở một số tỉnh khác, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện hay về số phận kỳ lạ của họ. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Chúng tôi tràn đầy cảm hứng khi bắt tay thực hiện tác phẩm và vô cùng hạnh phúc khi hoàn thành, được ghi nhận. Trong cuộc đời làm báo không nhiều tác phẩm cho chúng tôi cảm xúc hạnh phúc đến như vậy”.

Có thể bạn quan tâm