Thời sự - Bình luận

'Giải cứu' gói hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chờ mãi gói hỗ trợ 2% lãi suất trị giá 40.000 tỉ đồng mới được triển khai cho các đối tượng ưu tiên thì cũng là lúc mà room tín dụng của hầu hết các ngân hàng đã hết.

Thế nên, các doanh nghiệp (DN), tiểu thương lại phải tiếp tục chờ, chưa biết đến bao giờ.

Để triển khai gói hỗ trợ, một số nhà băng đề nghị nới room tín dụng. Đây cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội để có thể giải ngân gói ưu đãi lãi suất, tiếp sức cho DN, tiểu thương hậu Covid-19. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang cân nhắc vì lo ngại tăng tín dụng sẽ gia tăng lạm phát trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào vẫn tiếp tục xu hướng đi lên.

Nỗi lo này là có thể hiểu được! Với giá xăng phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, mặt bằng giá cả tại thị trường nội địa cũng liên tục được điều chỉnh, mỗi lần lại cộng thêm một bậc. Trong bối cảnh này, “bơm” vốn rẻ ra thị trường có thể tạo ra sự cộng hưởng khiến áp lực lạm phát từ giờ đến cuối năm càng lớn hơn. Nhìn “bên ngoài” thì đúng là như vậy.

Song xét về bản chất thì lạm phát đang gia tăng nhanh ở VN nguyên nhân chính là sự gia tăng như vũ bão của giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, nguyên vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi... khiến chi phí sản xuất gia tăng, từ đó tăng giá thành sản phẩm. Về nguyên lý, bệnh phát ở đâu thì phải trị ở đấy. Đó là kiểm soát giá cả, đặc biệt là xăng dầu - mặt hàng thiết yếu có tác động rất mạnh đến cơ cấu giá thành sản phẩm của hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực thông qua công cụ thuế, phí. Đặc biệt, có giải pháp để hạn chế tình trạng tát giá theo thế giới. Một số ngành thiết yếu như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng... có lợi nhuận rất lớn trong bối cảnh nông dân khốn khó, đầu tư công không thể giải ngân vì dự án đội giá có thỏa đáng hay không? Riêng với cung tiền, thận trọng là cần thiết nhưng phải hợp lý thì mới có thể phục hồi kinh tế.

Chúng ta đều biết hậu Covid-19, sức khỏe của DN, tiểu thương đều rất yếu trong khi chi phí đầu vào đội lên gấp nhiều lần, nguồn vốn rẻ là hy vọng lớn nhất để họ nâng sức cạnh tranh, mở rộng quy mô, tạo công ăn việc làm, tăng tổng cung - tổng cầu cho xã hội, góp phần phục hồi kinh tế. Quan trọng là cung tiền đúng nơi, đúng chỗ mà việc này cũng đã khá rõ ràng về những đối tượng và điều kiện được vay. Một số ngân hàng cũng đã lên danh sách chỉ chờ thực hiện... Nhưng gói hỗ trợ lãi suất như nói trên, vẫn bị mắc kẹt bởi room tín dụng đã đụng trần.

Một vấn đề đáng lo ngại hơn là trong khi NHNN đang thận trọng việc nới room tín dụng thì trên thị trường đang có dấu hiệu của một cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các nhà băng. Mở cửa kinh tế, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nóng lên từng ngày nên các nhà băng cũng tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn. Đầu vào tăng thì đầu ra, lãi suất cho vay tất nhiên cũng tăng theo. Vốn rẻ thì chưa thấy mà vốn đắt hơn đang có nguy cơ hình thành sẽ gây khó khăn cho hoạt động của DN cũng như việc kiểm soát lạm phát.

Nói thế để thấy kiểm soát lạm phát là cần thiết nhưng triển khai gói hỗ trợ lãi suất kịp thời, đúng đối tượng cũng hết sức quan trọng để góp phần phục hồi kinh tế.

Theo NGUYÊN KHANH (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm