Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ảnh minh họa |
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần)… Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 của chương trình là phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20% - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60%-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là 48.397 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Trước đó, Chính phủ cũng đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đáng chú ý Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ 3 chương trình mục tiêu (phát triển kinh tế thủy sản bền vững; phát triển lâm nghiệp bền vững; tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư) với tổng vốn thực thực hiện 3 chương trình là 638.782 tỷ đồng. Bộ Quốc phòng chủ trì Chương trình mục tiêu công nghiệp quốc phòng với tổng vốn thực hiện 27.229 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 4 chương trình mục tiêu (quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm; phát triển kinh tế-xã hội các vùng; hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương; đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với tổng nguồn vốn thực thực hiện 4 chương trình là 281.922 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ 2 trì chương trình mục tiêu (giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội) với tổng vốn thực thực hiện 2 chương trình là 27.175 tỷ đồng. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì chương trình mục tiêu (phát triển văn hóa; phát triển hạ tầng du lịch) với tổng nguồn vốn thực thực hiện 2 chương trình là 48.267 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì chương trình mục tiêu (xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích; ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh) với tổng nguồn vốn thực thực hiện 2 chương trình là 20.514 tỷ đồng. Bộ Công thương chủ trì Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo với nguồn vốn thực hiện là 30.186 tỷ đồng. Đối với Chương trình mục tiêu Biển Đông-hải đảo bảo đảm cho lĩnh vực quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Quyết định số 610/QĐ-TTg ngày 8-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo sggp