(GLO)- Gia Lai là một trong số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao và số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 17,23%, số hộ thoát nghèo đạt 2,7%-tương đương với 7.217 hộ; số hộ cận nghèo là 23.776 hộ, chiếm 7,67%. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7% với 7.410 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn chiếm 7% so với tỷ lệ hộ nghèo.
Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,67%, giảm 2,29% so với đầu năm. Từ kết quả này cho thấy, nhu cầu vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bền vững là rất lớn và vô cùng cần thiết, nhất là tại địa bàn có đông người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn như các huyện: Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa.
Nhờ nguồn vốn chính sách, các xã vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường. Ảnh: S.C |
Giúp người nghèo thoát nghèo bền vững luôn là mục tiêu, định hướng xuyên suốt trong các hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, trong đó có Chi nhánh Gia Lai. Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đều là những chương trình có quy mô tín dụng lớn, tổng dư nợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng dư nợ, dư nợ hộ cận nghèo chiếm 15,1% tổng dư nợ. Riêng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo dù mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ tháng 9-2015, cũng đã giải ngân được 90 tỷ đồng, bình quân 30 triệu đồng/hộ vay. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, xây dựng tinh thần đoàn kết gắn bó giữa chính quyền và nhân dân. Nguồn vốn chính sách cũng là “cần câu” thiết thực kết hợp với công tác khuyến nông-khuyến lâm, hướng dẫn kiến thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo vùng đã tạo nên sự tác động hiệu quả, giúp người nghèo dần cải thiện cuộc sống, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đặt trọng tâm giúp 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do Ngân hàng cung cấp. Địa phương sẽ hỗ trợ về nguồn vốn mỗi năm thêm ít nhất 10% để đến năm 2017 toàn vùng Tây Nguyên có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 80 tỷ đồng. |
Có thể nói, tín dụng cho hộ nghèo cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo trong sử dụng vốn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Châu-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ cho biết: Nếu như cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 12,36% thì đến hết năm 2015, số hộ nghèo ước giảm khoảng 2,22%. Phòng Giao dịch huyện Đak Pơ đã đưa nguồn vốn chính sách đến với 779 hộ/1.185 hộ nghèo (còn lại 251 hộ không có nhu cầu vay). Thông qua hoạt động ủy thác kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ khác, nguồn vốn chính sách đã trực tiếp giúp bà con duy trì hoạt động sản xuất, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, đặc biệt là hộ vay là đồng bào dân tộc thiểu số không có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước. Một khi bà con đã vay vốn là xác định rõ mục đích sử dụng, có vay-có trả và luôn chủ động thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng. Cũng nhờ biết đầu tư vốn đúng hướng, nên hầu hết hộ vay đều tự lực vươn lên cải thiện đời sống gia đình.
Trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, chính quyền địa phương cũng đã xác định nguồn vốn chính sách là kênh quan trọng, góp phần tích cực vào việc tạo điều kiện phát triển kinh tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phần đông hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ tái nghèo cũng ở đối tượng này. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tình trạng tái nghèo thì nhu cầu sử dụng vốn tín dụng chính sách duy trì, phát triển sản xuất trong dân rất lớn. Cũng như hàng ngàn hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn cận nghèo trong năm 2015, gia đình bà Rmah H’Tul (làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) vô cùng phấn khởi khi vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ. Không đơn thuần là có tiền vay, gia đình bà Rmah H’Tul đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của tổ tiết kiệm và vay vốn tại làng nên mạnh dạn đầu tư thêm phân bón, tưới tiêu chăm sóc vườn cà phê và vườn tiêu tại nhà. Bà Rmah H’Tul cho biết: Nếu không có Ngân hàng Chính sách thì bà con nghèo không biết vay mượn ở đâu khi khó khăn. An tâm hơn nữa là bà con được hướng dẫn tham gia tổ để tiết kiệm trả lãi, trả vốn đúng kỳ hạn, dần dần cởi bỏ được tâm lý e ngại nợ nần lâu nay.
Sơn Ca