Chính trị

Tin tức

Giải quyết đói nghèo phải xét cả 2 nguyên nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên cơ sở thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để giải quyết vấn đề đói nghèo ở một quốc gia phải xem xét cả nguyên nhân chủ quan và yếu tố khách quan từ bên ngoài.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Tái định hình nền quản trị toàn cầu” sáng 29-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để giải quyết đói nghèo, trước hết quốc gia phải bằng nội lực của chính mình để vượt qua, đồng thời các nước phát triển mà gây ra đói nghèo cho các nước khác cũng phải gánh một phần trách nhiệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng tổng thống các nước Mexico, Hàn Quốc, Nam Phi; Thủ tướng Canada và Thủ tướng Tây Ban Nha thảo luận, phân tích và đưa ra định hướng giải quyết những bất cập liên quan chủ yếu đến các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính- kinh tế, phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xóa đói giảm nghèo. Đây là những vấn đề có mối tương quan với nhau trong tiến trình phát triển của thế giới.

Nhận định cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu và những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra gần đây cho thấy rõ hơn những bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc cải tổ đòi hỏi sự nỗ lực và chủ động của mỗi thành viên cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến yếu tố đồng thuận trên cơ sở phát triển bền vững và lợi ích chung của toàn cầu, xem xét và đề cập đúng vai trò của các nhóm nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cũng tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước đã đề cập đến các biện pháp hiệu quả nhất trong quá trình các nước phát triển viện trợ, hỗ trợ các nước nghèo, các giải pháp phát triển công nghệ sạch, cắt giảm khí thải để phát triển bền vững cũng như định hướng phát triển để Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 trở thành một cơ chế quản trị toàn cầu mới hữu hiệu hơn.

Theo TTXVN


Có thể bạn quan tâm