Thể thao

Giải Võ thuật cổ truyền KV miền Trung-TN mở rộng:Thành công ngoài mong đợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại; võ đài được thiết kế ngoài trời; các trận đấu diễn ra cân bằng, nảy lửa; lượng khán giả đến xem rất đông… Đó là những gì đọng lại sau khi Giải Võ thuật cổ truyền khu vực miền Trung-Tây Nguyên mở rộng 2019 vừa kết thúc vào cuối tuần qua.
Thu hút nhiều vận động viên tên tuổi
Mặc dù đây là sân chơi nằm ngoài kế hoạch của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao, nhưng giải đấu này đã thu hút nhiều vận động viên (VĐV) có tên tuổi, từng đoạt thứ hạng cao ở các giải toàn quốc cùng về tranh tài.
Chẳng hạn, ở hạng cân 60 kg nữ có VĐV Đoàn Đăng Nguyên đến từ đội tuyển tỉnh Bình Định-người đã từng đoạt huy chương vàng Cúp Hoàng đế Quang Trung vào năm 2015, 2017, tiếp đó là huy chương bạc Cúp Võ cổ truyền toàn quốc 2018. Ở hạng cân 60 kg nam có VĐV Nguyễn Ngọc Lâm (Đak Lak) giành huy chương bạc Cúp Võ cổ truyền toàn quốc 2018, hay VĐV Nguyễn Văn Hiếu (Bình Định) là đương kim á quân Giải Lets Viet 2018…
Vận động viên Nguyễn Văn Hợi (thứ 2 từ trái sang) của đoàn Gia Lai trong trận thắng võ sĩ đến từ Đak Lak. Ảnh: M.V
Tại giải lần này, đơn vị chủ nhà Gia Lai tham gia tất cả 11 trận đấu, kết quả có 6 trận thắng và 5 trận thua. Nổi bật nhất là võ sĩ Nguyễn Văn Hợi ở hạng cân 65 kg nam khi giành 2 trận thắng thuyết phục trước các VĐV đến từ Đak Lak.
Nguyễn Văn Hợi là một VĐV đa năng của thể thao Gia Lai. Anh tham gia tập luyện võ thuật từ năm 13 tuổi; bên cạnh môn võ cổ truyền, võ sĩ này còn gặt hái được những thành tích ấn tượng ở một số môn võ khác như: đoạt huy chương vàng giải trẻ toàn quốc môn wushu vào năm 2015, huy chương vàng Giải Vô địch toàn quốc môn kick-boxing 2018… Trong sự nghiệp đánh đài của mình, Nguyễn Văn Hợi thi đấu tổng cộng 42 trận, giành chiến thắng tới 32 trận (có 8 trận thắng knock out đối phương).
Nói về giải đấu này, Đại Võ sư Lê Ngọc Có-Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Gia Lai-cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các võ sinh tham gia tập luyện môn võ cổ truyền tại tỉnh ta tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, vì lý do khách quan nên chất lượng các đội tuyển tham gia thi đấu một số giải toàn quốc lại đi xuống. Võ cổ truyền là “quốc võ” của Việt Nam, bởi vậy dù khó khăn đến đâu, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh cũng quyết tâm phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh tổ chức giải đấu này. Có thể nói đây là một giải đấu thành công về mọi mặt, qua đó góp phần thúc đẩy môn võ cổ truyền phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới tại tỉnh ta”.
Sáng tạo, hoành tráng
Để nâng tầm, giúp giải đấu này trở nên hoành tráng, hấp dẫn hơn, Ban tổ chức đã có nhiều cách làm sáng tạo, rất đáng được biểu dương, ghi nhận. Ví dụ, võ đài được dựng ngoài trời thay vì trong nhà, bố trí dàn ánh sáng, âm thanh hiện đại... Các khâu này đều được Công ty Truyền thông-Sự kiện Gia Lai tài trợ. Trước mỗi trận đấu, người dẫn chương trình lên sân khấu giới thiệu tóm tắt về thành tích cá nhân của từng võ sĩ. Để giúp cho khán giả hiểu hơn về luật thi đấu của môn thể thao này, trong quá trình diễn ra các trận đấu, người dẫn chương trình liên tục thuyết minh về kỹ thuật đánh đài, các điểm số mà VĐV ghi được… Nhờ vậy, trung bình mỗi đêm, giải đấu thu hút khoảng gần 1.000 khán giả đến cổ vũ. Đây là lượng khán giả “trong mơ” của các môn võ thuật nói chung. 
Ông Đỗ Xuân Nghĩa (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) tâm sự: “Tôi sinh ra ở Bình Định, lớn lên, lập nghiệp tại Gia Lai. Từ nhỏ tôi đã là tín đồ của môn võ cổ truyền dân tộc. Gần 20 năm trước, mỗi khi các trận đấu võ đài được tổ chức ở Sân vận động Pleiku, lập tức khán giả chen lấn, xô đẩy, đi xem đông như lễ hội. Vì nhiều lý do khác nhau, sau đó môn thể thao này dần đánh mất ưu thế. Đến giờ tôi mới có dịp sống lại trong bầu không khí cuồng nhiệt của môn thể thao mình yêu thích”.
Ngoài ra, để khơi lại không khí của những trận đánh võ đài hấp dẫn ngày xưa, thay vì để cho các VĐV cùng hạng cân bốc thăm thi đấu ngẫu nhiên, các huấn luyện viên được phép sử dụng “thực đơn tự chọn”. Căn cứ vào trình độ võ sĩ của mình, huấn luyện viên sẽ chọn đối thủ vừa tầm. Nhờ vậy mà đa số các trận đấu tại giải năm nay diễn ra cân bằng, hấp dẫn, kịch tính, không có trận đấu nào trọng tài phải xử thắng thua theo luật knock out.
Từ thành công của Giải Võ thuật cổ truyền miền Trung-Tây Nguyên mở rộng 2019, dự kiến thời gian tới một số giải đấu của môn võ cổ truyền, kick-boxing… diễn ra ở tỉnh ta cũng sẽ áp dụng một số cách thức tổ chức tương tự.
Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm