Sức khỏe

Giảm cân dễ hay khó?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi cân nặng vượt quá 160 kg, anh Bùi Hoàng Anh (SN 1986) không thể tự đi trên đôi chân của mình mà phải chống nạng để di chuyển. Anh buộc phải đứng trước lựa chọn: Giảm cân hoặc chấp nhận sống với bệnh tật suốt phần đời còn lại. Ước mơ “trở thành một người bình thường” rồi cũng thành hiện thực khi anh giảm được 70 kg sau 12 tháng nỗ lực.
Giảm cân thành công như đưa chàng trai Bùi Hoàng Anh từ “cửa tử” trở về. Anh kể: “Tôi mắc căn bệnh da liễu hiếm gặp từ nhỏ. Cứ nghe ở nơi nào có người chữa được bệnh là bố mẹ đưa tôi tới bằng được. Nhưng bệnh không khỏi, lại dùng quá nhiều loại thuốc nên tôi ngày càng béo phì không thể kiểm soát. Năm học lớp 12, tôi nặng tới 120 kg. Tới khi đi làm, trọng lượng cơ thể tôi có lúc vượt quá 160 kg. Đó cũng là lúc sức khỏe sa sút, nội tạng nhiễm mỡ ở chỉ số 23-mức cực kỳ nguy hiểm. Cổ chân, đầu gối và lưng thường xuyên đau nhức. Lúc này, tôi không thể tự di chuyển bình thường mà phải dùng nạng. Tôi phải nằm sấp, không thể nằm nghiêng hay nằm ngửa như người bình thường”.
Một số người bạn thấy tình trạng sức khỏe của Bùi Hoàng Anh sa sút trầm trọng đã khuyên anh dùng thử một loại dinh dưỡng của Mỹ giúp giảm cân, kiểm soát trọng lượng. “Thú thực là tôi đã thử nhiều biện pháp, kể cả cách tiêu cực nhất nhưng đều thất bại. Nhưng nghe nhiều bạn bè giới thiệu về loại dinh dưỡng này, tôi tò mò và thử tìm hiểu. Đó là một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thay thế cho bữa sáng hàng ngày và chỉ có 90 calo. Còn 2 bữa trưa và chiều ăn uống bình thường nhưng hạn chế tinh bột. Giữa năm 2021, tôi quyết định theo chế độ ăn mới này, không ngờ tháng đầu tiên giảm được 12 kg, tháng tiếp theo giảm được gần 13 kg.
Đến tháng thứ 3, cùng với chế độ dinh dưỡng, tôi kết hợp đi bộ nhẹ ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Với trọng lượng gấp đôi người bình thường, vận động nhẹ cũng khiến toàn bộ xương khớp tôi đau nhức. 2-3 ngày đầu đi bộ, tôi mệt không thở nổi, nhịp tim tăng vọt, căng và đau cơ đến mức nghĩ đến vận động là thấy sợ. Em trai tôi là vận động viên võ cổ truyền còn hướng dẫn tôi mặc nhiều lớp áo và thêm lớp áo mưa ngoài cùng để tăng hiệu quả giảm cân. Tôi tăng dần quãng đường đi bộ, sau 10 tháng tôi có thể đi bộ kết hợp với chạy bộ chậm được 10-12 km trong mỗi buổi tập. Quãng đường vận động tăng lên thì cân nặng của tôi cũng giảm dần xuống”-anh Bùi Hoàng Anh chia sẻ.
Anh Bùi Hoàng Anh trước và sau khi giảm cân (ảnh nhân vật cung cấp).
Anh Bùi Hoàng Anh trước và sau khi giảm cân (ảnh nhân vật cung cấp).
Hiện tại, cân nặng của anh Hoàng Anh là 90 kg. Với chiều cao 1,8 m, anh đặt ra mục tiêu giảm thêm 10 kg nữa để có tỷ lệ cân nặng và chiều cao bình thường sau thời gian sống trong thân hình quá khổ gấp 3 người khác. Chia sẻ về hành trình giảm cân kỳ diệu của mình, anh cho biết, đó là những cuộc vật lộn với chính mình để vượt qua vô số trạng thái tiêu cực. Anh thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đói và đau trong giai đoạn đầu của hành trình giảm cân.
Anh kể: “Thời gian đầu thay đổi chế độ dinh dưỡng, cứ khoảng 9 giờ sáng là tôi đói hoa mắt chóng mặt, tay chân bủn rủn không thể làm việc được. Công việc của tôi lại đi ngoài đường liên tục, có những ngày chạy xe giữa trời nắng nóng, tôi đói muốn ngất đi được. Nhưng chỉ cần tôi đầu hàng, lao vào một hàng ăn bất kỳ ven đường để thỏa mãn cơn đói, tôi sẽ lại thất bại như những lần trước. Đến khi tập luyện thể thao tôi cũng phải chiến đấu với những cơn đau cơ triền miên. Nhưng có đau tôi cũng xỏ giày đi, đi nhiều không được thì đi ít. Sau một thời gian, dạ dày tôi quen với chế độ dinh dưỡng mới, cơ thể cũng quen với cường độ tập luyện, cân nặng giảm dần và tôi thấy khỏe lên từng ngày. Cái ngày bỏ nạng để tự đi trên đôi chân của mình là ngày tôi hạnh phúc như được sinh ra một lần nữa”.
Đúc kết lại hành trình giảm cân, anh Bùi Hoàng Anh khẳng định tập luyện thể thao và chế độ dinh dưỡng phải song hành với nhau, nhưng yếu tố không kém phần quan trọng chính là ý chí và nỗ lực của bản thân. Anh trải lòng: “Giảm cân chính là chiến thắng chính bản thân mình. Đó không chỉ là hành trình tìm lại sức khỏe, mà là tìm lại chính con người mình. Thời kỳ béo phì và bệnh tật, tôi sống thu mình lại, rất ngại tiếp xúc, sợ ánh mắt kỳ thị của mọi người nhìn mình. Còn bây giờ, tôi như tái sinh thành một con người khác, sống tích cực, vui vẻ hơn. Giảm cân thành công tôi cũng ngộ ra một điều, nếu mình không đủ khả năng lo cho bản thân thì cũng không thể lo được cho ai”.
Từ những quan sát cuộc sống, anh Bùi Hoàng Anh cho biết ngày càng thấy nhiều trẻ em béo phì, nhất là các em trong độ tuổi dậy thì, các em cần được giúp đỡ ngay lập tức trước khi quá muộn. “Ở tuổi này, nếu béo phì không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà khiến các em tự ti, mặc cảm, thu mình lại, thậm chí trầm cảm mà bố mẹ không hay. Tôi nhớ khi học cấp III, tôi nặng trên 100 kg nên nhu cầu ăn uống cũng rất lớn. Có lần trong bữa ăn, khi tôi đưa chén để lấy thêm cơm, mẹ lỡ nói một câu khiến tôi nước mắt 2 hàng. Từ đó tôi ngại tiếp xúc cả với cha mẹ vì mặc cảm. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp cho ai đó trong tình cảnh tương tự, các bậc cha mẹ có con thừa cân có thể tìm đến một phương pháp phù hợp nào đó để giải quyết tình trạng này, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần để có cuộc sống chất lượng hơn”-anh Hoàng Anh trải lòng.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm