Kinh tế

Tài chính

Giảm chi phí để hạ thêm lãi suất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tối đa chi phí để hạ thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.



Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp (DN) nhưng không nới lỏng điều kiện cho vay nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng.

Doanh nghiệp ngại chứng minh thiệt hại

Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có hiệu lực từ ngày 13-3. Theo NHNN, các quy định trong thông tư là giải pháp đột phá chưa có tiền lệ để ứng phó với đại dịch Covid-19, giúp các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Đến nay, theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỉ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỉ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng gần 950.000 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-4,5 điểm % cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỉ đồng; miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 khoảng trên 1.000 tỉ đồng.


 

 Nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Ảnh: TẤN THẠNH


Lãnh đạo NHNN nhận xét những con số trên thể hiện sự chia sẻ đồng hành của cả hệ thống NH với nền kinh tế và khách hàng vay vốn, là bước đi quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch…

Mặc dù con số hỗ trợ nhiều như vậy nhưng tại buổi tọa đàm "Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM năm 2020" do UBND TP HCM tổ chức hôm 5-5, đại diện một số hội ngành nghề đã phản ánh thực tế DN khó hoặc không thể tiếp cận các khoản hỗ trợ. Theo các DN, điều DN và hộ kinh doanh cần hỗ trợ nhất lúc này là thanh khoản và dòng tiền. Trong điều kiện bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19, gần như không còn doanh thu, làm sao DN chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả để vay vốn tiếp?

Tổng giám đốc một DN thực phẩm tại quận Bình Tân cũng cho hay sau khi tìm hiểu kỹ quy định và nghe nhân viên kinh doanh của một NH tư vấn, công ty đã bỏ ý định làm hồ sơ chứng minh giảm doanh thu để được giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu. "Chúng tôi phải chứng minh mức giảm doanh thu tới 70%-80% mới được xem xét giảm 1%/năm lãi vay hiện hữu. Nếu chứng minh thiệt hại như vậy nghĩa là tài chính của DN không an toàn, khó vay thêm và có thể phải chịu mức lãi suất cao đối với những gói vay mới" - vị tổng giám đốc này băn khoăn.

Một thành viên ban điều hành Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) dự đoán sẽ rất ít DN dám chứng minh bị thiệt hại nặng do Covid-19 để được hưởng hỗ trợ lãi suất từ các gói tín dụng ưu đãi. Lý do được DN đưa ra là lựa chọn này không có lợi. "Nếu DN báo cáo tài chính không ổn định, không tốt sẽ bị NH đưa vào danh sách giám sát đặc biệt, có thể thu hồi vốn hoặc giảm hạn mức cho vay, áp dụng mức lãi suất cao. Trong lúc sản xuất, kinh doanh đang khó khăn và cần vốn để vực dậy sau dịch bệnh mà không được vay tiếp thì rất khó xoay xở" - đại diện này nêu thực tế.

NH thận trọng giải ngân

Đề cập việc DN chứng minh "sức khỏe" không tốt để được giảm lãi vay nhưng có thể bị NH thương mại hạ điểm tín nhiệm, tổng giám đốc của một NH thương mại trụ sở tại Hà Nội cho hay hằng năm NH đều đánh giá tín nhiệm các DN để làm cơ sở cấp hạn mức tín dụng, lãi vay… Riêng năm nay do tác động của dịch Covid-19, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ được các NH linh hoạt áp dụng.

Một lãnh đạo NH cổ phần hội sở tại TP HCM cho biết đến cuối quý I/2020, nhiều DN đã giảm 50%-70% doanh thu, dòng tiền thanh toán bị đứt gãy dây chuyền, không đủ để thanh toán các khoản vay cũ, buộc NH phải gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ trong vòng 3-4 tháng. Nếu sau thời gian này, DN mất khả năng thanh toán dẫn đến không trả được nợ thì NH phải chấp nhận nợ xấu tăng lên. "Trong tình huống này, nếu NH tiếp tục cho vay mới thì khả năng khoản vay mới tiếp tục rơi vào nhóm nợ xấu, NH "lãnh đủ" vì phải trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi không hạ chuẩn cho vay mà sẽ căn cứ vào phương án kinh doanh, doanh thu, dòng tiền thực tế, tài sản thế chấp của DN để quyết định cho vay tiếp hay không" - vị lãnh đạo NH thương mại này giải thích.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến về tăng cường tín dụng NH hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết NH này đã áp dụng hàng loạt biện pháp, trong đó có phương án dự phòng thanh khoản đặc biệt, thành lập ban chỉ đạo, tổ chức các đội, thậm chí chuyển 50% lực lượng kinh doanh của NH sang quản lý nợ, thu hồi, cấu trúc nợ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nêu thực tế rằng NH cũng phải tính đến rủi ro trong khoản cho vay nên NH có thể đơn giản hóa thủ tục còn DN cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi để có dòng tiền trả nợ.


Không nới lỏng điều kiện cho vay

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định ngành NH không nới lỏng điều kiện cho vay nhằm bảo đảm chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động NH trong các năm sắp tới. Để hỗ trợ khách hàng, thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc.



Theo THÁI PHƯƠNG - THY THƠ - THANH NHÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm