Chính trị

Giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vướng mắc trong thực hiện quy định bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề được cử tri các huyện Ia Pa, Đak Đoa kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để tìm hướng giải quyết.

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 29-6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Ia Pa. Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tỉnh gồm: ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. Tham gia các buổi tiếp xúc có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương.

Làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm

Sau khi nghe đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo về kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, cử tri các địa phương bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao kết quả kỳ họp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Quang Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Quang Tấn

Cử tri Nguyễn Tẩu (thôn 1, xã Nam Yang) phấn khởi cho biết: “Tôi rất hài lòng với kết quả mà kỳ họp đạt được. Đặc biệt, kỳ họp lần này đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là nội dung được dư luận quan tâm và được nhiều cử tri đánh giá cao”.

Ông Nguyễn Tẩu (cử tri thôn 1, xã Nam Yang) kiến nghị về các chính sách cho người có công. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Tẩu (cử tri thôn 1, xã Nam Yang) kiến nghị về các chính sách cho người có công. Ảnh: Trần Dung

Tương tự, cử tri Ngô Văn Muộn (thôn Hòa Bình, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) rất vui mừng trước những kết quả của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, theo ông, đời sống của người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dân trí còn thấp, tình trạng thiếu việc làm của thanh niên nông thôn vẫn còn tiếp diễn… “Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý dứt điểm để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”-ông Muộn kiến nghị.

Giải đáp thắc mắc này, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường thông tin: Thời gian qua, huyện đã có chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động như: mở các lớp đào tạo nghề; tạo điều kiện để người dân đi xuất khẩu lao động… Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo việc làm; phối hợp tổ chức các hội chợ việc làm để người dân tiếp cận việc làm phù hợp nhằm từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và giảm nghèo bền vững.

“Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, huyện thường xuyên giám sát, đánh giá tác động môi trường các dự án này nhằm đảm bảo các trang trại hoạt động đúng quy định. Hiện trên địa bàn huyện có 5 trang trại được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó có 4 trang trại đi vào hoạt động. Các dự án đều có đánh giá tác động môi trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm sát sao vấn đề này”-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Lan (cử tri thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) kiến nghị về những bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Trần Dung

Bà Nguyễn Thị Lan (cử tri thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) kiến nghị về những bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Trần Dung

Bức xúc trước những bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cử tri Nguyễn Thị Lan (thôn 3, xã Nam Yang) kiến nghị: “Tình trạng hồ sơ đo đạc, trích lục tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa hiện rất chậm trễ. Việc giải quyết hồ sơ kéo dài khiến người dân rất mệt mỏi và bất bình”. Trước kiến nghị này, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ lý giải: Hiện số lượng hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đang trong tình trạng quá tải. Trong khi đội ngũ cán bộ ở đây rất mỏng và hầu hết là nhân viên hợp đồng. Những hồ sơ bắt buộc phải kéo dài bởi vướng một số quy định như: tính lịch sử, hồ sơ địa chính chưa đồng bộ… nhân viên buộc phải rà soát, đối soát số liệu chính xác mới có thể tiến hành theo đúng quy định.

Bí thư huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ lý giải về những nguyên nhân gây vướng trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Trần Dung

Bí thư huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ lý giải về những nguyên nhân gây vướng trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Trần Dung

Thời gian qua, người dân 2 làng Bi Giông và Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) gặp nhiều khó khăn khi đập tràn bị hư hỏng, xuống cấp. Cử tri Đinh Luânh (làng Bi Gia) phát biểu: “Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp đập tràn này nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản. Ngoài ra, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm sửa chữa đập tràn làng Bi Gia ra khu sản xuất của làng”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường trả lời: Đối với đập tràn từ tỉnh lộ 666 vào 2 làng Bi Giông và Bi Gia, qua khảo sát, nguồn vốn đầu tư nâng cấp khoảng 3-4 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách của huyện còn khá hạn hẹp, không bố trí được. Hiện UBND huyện đã có báo cáo đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí kinh phí từ nguồn vốn chương trình phòng-chống thiên tai để đầu tư, khắc phục. Đối với đập tràn từ làng Bi Gia vào khu sản xuất, huyện đã tiến hành khảo sát và có kế hoạch mở rộng cống tràn để khắc phục tình trạng này.

Theo dõi, giám sát quá trình giải quyết kiến nghị

Đề cập vấn nạn ô nhiễm môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình cho hay: Sở đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. “Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiên quyết xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các dự án đi vào hoạt động mà vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”-ông Bình nhấn mạnh.

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trao 40 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại 2 huyện Ia Pa và Đak Đoa.

Trước những băn khoăn của cử tri đối với bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan cho rằng: Bộ tiêu chí mới này có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí nâng cao và khó thực hiện do đặc thù của địa phương như: giao thông, tỷ lệ người dân có sổ khám-chữa bệnh điện tử, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý theo quy định… Sở đã có các văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề nghị có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Cùng với đó, Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện từng bước theo đúng quy định của bộ tiêu chí.

“Chúng ta cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực để tập trung thực hiện theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”-ông Hoan đề nghị.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trả lời những kiến nghị của cử tri. Ảnh: Trần Dung

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trả lời những kiến nghị của cử tri. Ảnh: Trần Dung

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo các sở, ngành và UBND các địa phương đã giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã tiến hành trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương được cử tri đề cập. Đối với những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị các ban, ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tiếp thu đầy đủ những kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc để gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cử tri khi có nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: “Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hết sức lưu tâm đến mong muốn của cử tri về việc quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng như tạo việc làm cho người dân. Đối với thực trạng ô nhiễm môi trường từ các khu chăn nuôi, tỉnh sẽ đánh giá, xem xét lại những mặt tích cực và tiêu cực khi kêu gọi các dự án chăn nuôi quy mô lớn trong thời gian tới nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích mà không ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Quang Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Quang Tấn

Ngoài ra, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu rõ: Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, ngành chức năng các cấp thì Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của cử tri. Sau đó, Đoàn sẽ rà soát, nắm rõ nội dung và có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết của các cấp có thẩm quyền đối với từng vụ việc cụ thể. “Đề nghị UBND tỉnh và địa phương, các ngành chức năng nghiêm túc phối hợp giải quyết các vụ việc một cách thấu đáo, kịp thời, không để kéo dài, gây bức xúc dư luận. Đồng thời, mong muốn cử tri cũng chia sẻ với cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm