Kinh tế

Giám sát quyết toán các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 25-9, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước về tình hình quyết toán các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, từ 2021 đến nay, Sở đã thẩm tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 164 dự án, giá trị đề nghị quyết toán là 6.128,62 tỷ đồng; giá trị phê duyệt quyết toán hơn 6.119 tỷ đồng, giá trị giảm trừ qua quyết toán hơn 9,6 tỷ đồng. Trong đó, 67 dự án do Sở Tài chính thẩm tra, phê duyệt; 97 dự án Sở Tài chính thẩm tra trình UBND tỉnh phê duyệt (đã có 93 dự án được phê duyệt, 4 dự án chưa phê duyệt).

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh về tình hình quyết toán các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hà Duy
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh về tình hình quyết toán các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hà Duy

Trong giai đoạn 2016-2020, còn 3 dự án đầu tư công chưa được UBND tỉnh xem xét, xử lý để các chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản; trong giai đoạn 2016-2020 đến 2022, còn 2 dự án đầu tư công chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý để các chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản. Việc phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành còn chậm (quá 15 ngày đối với dự án nhóm C; quá 20 ngày đối với dự án nhóm B) so với thời gian quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ.

Sở Tài chính đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp để xử lý những vấn đề còn tồn tại; Văn phòng UBND tỉnh sớm xem xét hồ sơ trong thời gian quy định 15 ngày trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt để đảm bảo về thời hạn. Huyện Đăk Đoa và Chư Sê vẫn còn tồn tại lớn số lượng dự án muộn thời gian lập hồ sơ quyết toán (Đăk Đoa năm 2021 và 2022 có 33 dự án, riêng năm 2024 chưa cung cấp hồ sơ để Sở Tài chính kiểm tra theo văn bản yêu cầu; Chư Sê năm 2021 có 14 dự án, năm 2022 có 33 dự án, năm 2023 là 21 dự án).

Đối với Kho bạc Nhà nước, từ năm 2021 đến nay, tổng số dư tạm ứng lũy kế là 1.013 tỷ đồng, trong đó, số dư tạm ứng quá hạn là hơn 3,2 tỷ đồng. Đối với các dự án tạm ứng quá hạn, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã có văn bản đôn đốc thu hồi tạm ứng đến chủ đầu tư nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát thực tế dự án hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát thực tế dự án hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Số vốn tạm ứng quá hạn chủ yếu là cho đền bù giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, còn nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù, nên chủ đầu tư không thể thu hồi tạm ứng. Kho bạc Nhà nước tỉnh đề nghị các chủ đầu tư tích cực phối hợp thực hiện thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn theo quy định.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Phương đề nghị: Công tác tạm ứng phải thực hiện đúng quy định, tiếp tục đôn đốc thu hồi tạm ứng. Vì vậy, Kho bạc tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư thu hồi tạm ứng quá hạn. Đoàn đề nghị đối với các dự án chậm phê duyệt quyết toán, các đơn vị bổ sung thêm thông tin về văn bản nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng để nắm rõ thời gian chậm phê duyệt. Các đơn vị nên thực hiện nghiêm thời gian lập, xử lý hồ sơ quyết toán theo đúng quy định theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm