Chính trị

Giám sát về số lao động được tạo việc làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo tại huyện Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-5, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh hàng năm về số lao động được tạo việc làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện Ia Pa giai đoạn 2021-2023.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Vũ Chi

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Vũ Chi

Đoàn giám sát do ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện Ia Pa chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, các ban, ngành liên quan, UBND các xã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai xây dựng kế hoạch, tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đối với người lao động khi tham gia học nghề, tạo sự chuyển biến trong cộng đồng dân cư, tự giác tham gia học nghề để tạo việc làm ổn định.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Chi

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Chi

Trong 3 năm (từ 2021-2023), số lao động được tạo việc làm mới là 722 người (năm 2021: 230 người; năm 2022: 240 người; năm 2023: 252 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34,2% lên 61,34%. Đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai thực hiện 2 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 60 học viên, kinh phí hơn 127 triệu đồng; 5 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 145 học viên, kinh phí hơn 320 triệu đồng.

UBND huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2021 cho 213 lao động vay hơn 8 tỷ đồng; năm 2022 cho 461 lao động vay hơn 19 tỷ đồng; năm 2023 cho 471 lao động vay hơn 21 tỷ đồng. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở 5 phiên giao dịch việc làm, thu hút 495 người lao động tham gia.

Trên cơ sở thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, huyện Ia Pa kiến nghị UBND tỉnh tăng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tiếp tục cấp vốn theo chương trình mục tiêu dạy nghề, việc làm hàng năm để tăng cường thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát yêu cầu huyện Ia Pa làm rõ thêm các số liệu trong báo cáo; thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động để có biện pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Ksor Suy báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Vũ Chi

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Ksor Suy báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Vũ Chi

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành huyện Ia Pa trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động được tạo việc làm mới tại địa phương. Mục đích của đợt giám sát nhằm ghi nhận những việc làm được, chưa làm được, thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn để đơn vị thực hiện tốt hơn, tạo được nhiều việc làm, nâng cao chất lượng, đời sống người lao động.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh đề nghị, trên cơ sở buổi làm việc, UBND huyện Ia Pa cần hoàn thiện lại báo cáo để số liệu chính xác, thống nhất với nhau; bổ sung số liệu về chỉ tiêu lao động được đào tạo, lao động được tạo việc làm hàng năm của huyện, trên cơ sở đó mới đánh giá được kết quả thực hiện; kinh phí huyện bố trí, phân bổ hàng năm cho công tác dạy nghề, tạo việc làm, kết quả thực hiện nguồn kinh phí; thuận lợi, khó khăn trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đánh giá công tác đào tạo nghề có phù hợp với nhu cầu người lao động, hiệu quả thực tế trong sản xuất. Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm mang tính bền vững, các đơn vị phải có sự thống nhất trong nhận thức và hành động, biến nhận thức thành hành động cụ thể, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và biện pháp thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu của chính người lao động và điều kiện thực tế địa phương.

Có thể bạn quan tâm