Kinh tế

Tài chính

Giảm thời gian kiểm soát chi để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai phấn đấu giảm thời gian kiểm soát chi và không để hồ sơ thanh toán tồn đọng trên hệ thống.

Năm 2024 được tỉnh xác định là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong thời điểm các tháng cuối năm 2024, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công giữ vai trò then chốt gắn với tăng trưởng kinh tế.

Đề cập việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Khánh Hiền-Giám đốc Công ty TNHH Tol Việt Nhật (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Quý IV là thời điểm các công trình đầu tư xây dựng tăng tốc thi công kéo theo nhu cầu tiêu thụ, sử dụng vật liệu xây dựng với khối lượng lớn. Đối với doanh nghiệp là đại lý phân phối cấp I, chúng tôi kỳ vọng tình hình hoạt động đầu tư công khởi sắc, tạo đà cho thị trường ngành vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh trong thời điểm các tháng cuối năm nay”.

kho-bac-nha-nuoc-tinh-gia-lai-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-quan-ly-va-kiem-soat-thanh-toan-tren-moi-truong-dien-tu-1181.jpg
Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý và kiểm soát thanh toán trên môi trường điện tử. Ảnh: S.C

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Đặng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thắng Sỹ (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) thì cho rằng: Trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là giá cả vật liệu xây dựng và giá nhân công tăng.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để đảm bảo tiến độ thi công xây dựng các công trình nhận thầu. Công trình nào xong trước tiến độ hợp đồng sẽ tiến hành bàn giao để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn theo quy định.

Hiện nay, các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chủ động giảm thời gian kiểm soát chi, phấn đấu giải quyết hồ sơ đủ điều kiện ngay trong ngày, không để hồ sơ tồn đọng mà không rõ lý do. Trong 9 tháng qua, Kho bạc Nhà nước huyện Chư Sê đã giải ngân 44,7 tỷ đồng/129,3 tỷ đồng.

Ông Lương Thế Phong-Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện-thông tin: “Từ tháng 9, số lượng hồ sơ thanh toán có xu hướng tăng nhanh. Khối lượng thực hiện đến đâu, các đơn vị, chủ đầu tư tiến hành lập hồ sơ thanh toán đến đó. Do đó, Kho bạc đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư chủ động hoàn thiện hồ sơ chứng từ để rút ngắn thời gian kiểm soát chi”.

kho-bac-nha-nuoc-tinh-gia-lai-giam-thoi-gian-kiem-soat-thanh-toan-tang-khoi-luong-giai-ngan-cac-nguon-von-theo-ke-hoach-7708.jpg
Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thanh toán cho đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: S.C

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển của tỉnh Gia Lai là 4.468 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch năm là 3.856 tỷ đồng, vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 611,5 tỷ đồng.

Tổng số vốn đã giải ngân đến hết tháng 9-2024 là 1.903 tỷ đồng, bằng 42,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn kế hoạch năm đã giải ngân là 1.745 tỷ đồng/3.856 tỷ đồng, bằng 45,26% kế hoạch; nguồn vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đã giải ngân 157,5 tỷ đồng/611,5 tỷ đồng, bằng 25,77%.

Kết quả này đưa Gia Lai vào nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt mức bình quân chung so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước là 42,96%.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Quang Bút-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh-cho biết: “Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chúng tôi tập trung nhân lực, nguồn lực ở thời điểm cuối tháng, cuối quý để giải quyết nhanh, kịp thời các hồ sơ thanh toán trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Trong đó, tập trung theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện quản lý và kiểm soát thanh toán hoàn toàn trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý.

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu gắn với công tác kiểm soát rủi ro và kết hợp giám sát từ xa. Số lượng hồ sơ kiểm soát thanh toán đi đôi với tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn tăng, góp phần tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội”.

Có thể bạn quan tâm