TN - Đất & Người

Gian nan bảo tồn Sâm Ngọc Linh trước nguy cơ cạn kiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sâm Ngọc Linh trước đây được người Xê Đăng trong tỉnh Kon Tum xem là cây thuốc. Trong chiến tranh, Sâm Ngọc Linh được Khu ủy Khu 5 bảo vệ, khai thác, chế biến làm thuốc chữa bệnh, trị thương cho cán bộ, chiến sỹ và được gọi là sâm K5. Những năm qua, trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, người Xê Đăng nơi đây đã đi khắp đỉnh Ngọc Linh để tìm sâm bán cho thị trường. Cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên gần như cạn kiệt. Trước thực trạng trên, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực cùng doanh nghiệp bảo tồn nguồn gen quý trên cho thế hệ mai sau.
Bảo tồn giống sâm quý
Sau hơn 20 năm bảo tồn và nhân giống, đến nay lần đầu tiên tỉnh Kon Tum đã tổ chức triển lãm giới thiệu cho người dân trong và ngoài tỉnh cùng khách nước ngoài biết về sâm Ngọc Linh Kon Tum (triển lãm từ ngày 4-7/9 tại thành phố Kon Tum).
“Từ năm 1997, chúng tôi bắt đầu thu mua các mầm cây của người dân xung quanh núi Ngọc Linh. Lúc đó giá thành rất rẻ. Củ sâm mua về, chúng tôi đem về gây giống trên chính đỉnh Ngọc Linh. Việc nhân giống từ mầm cho kết quả tốt, chỉ 2 năm cây đã bắt đầu cho hoa, hạt. Chúng tôi không thu hoạch củ, giữ cây sâm để lấy hạt nhân giống. Hơn 20 năm qua, công ty chưa bán sản phẩm ra thị trường. Tất cả mục đích chỉ để bảo tồn nguồn gen quý, mở rộng diện tích vườn cây” một lãnh đạo Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thừa nhận.
Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quang Thái
Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quang Thái
Nói nghe dễ nhưng để có thể bảo tồn, nhân rộng vườn cây trên với người trồng sâm đó là một câu chuyện dài. Với sâm Ngọc Linh được trồng tại Kon Tum, tất cả những gì con người tác động chỉ là lấy hạt, gieo ươm, tăng độ phì nhiêu của đất. Việc cây sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên ở trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao từ 1.200-2.500 m.
Để bảo vệ, các vườn sâm đều được rào chắn cẩn thận. Tại vườn sâm đang trồng trên đỉnh Ngọc Linh, mỗi khi có khách thăm thì các bảo vệ liên tục kèm cặp để hướng dẫn cách đi, tránh lọt hầm bảo vệ hay dẫm, đạp cây…
Quanh vườn đều có hầm, hào ngăn chuột núi đến mùa lẻn vào ăn hạt, củ sâm. Nếu lơ là, chim, chuột phá. Chuột leo lên cây, chuột bò dưới đất, rất khó bảo vệ. Ngoài ra, các vườn sâm để được “lợp mái” che chắn bên trên để tránh mưa đá, giông lốc gây gãy đổ.
“Có năm, khi cây đang trong thời kỳ ra hoa, kết hạt, chỉ vì mưa giông, mưa đá gây gãy đổ cây, chúng tôi mất trắng vụ hạt. Lấy hạt đã khó, khi gieo tỷ lệ hạt gieo ươm thành công cũng thấp. Người trồng sâm ngày nghĩ, tối về trắng đêm diệt chuột.” một người trồng sâm ở Kon Tum nói.
Từ chỗ vài chục nghìn, đến nay mỗi hạt giống lên tới 200-300 nghìn đồng/hạt (chưa biết trồng được hay không). Mỗi lon hạt có giá cả trăm triệu đồng. Với người trồng sâm Ngọc Linh, có tiền cũng khó làm. Ở Kon Tum rất ít người bán hạt giống, dân không có để trồng.
Theo tìm hiểu, hiện tại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, năng lực cung cấp cả triệu cây giống một năm nhưng không bán ra thị trường, chỉ để mở rộng diện tích và một phần hỗ trợ giống người Xê Đăng ở đỉnh Ngọc Linh về trồng, để giúp dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện sở cấp giấy công nhận về giống sâm Ngọc Linh cho 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đây là 2 đơn vị có hồ sơ, được kiểm định về chất lượng nguồn gốc. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Kon Tum vẫn chưa bán sâm Ngọc Linh ra thị trường.
Lo cho vườn sâm
Giá trị dinh dưỡng cao, Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum chưa bán, hiện rất khan hiếm nên giá thành đẩy lên rất cao.
Hiện tại, ở các huyện Đăk Tô, Đăk Glei hay Tumơrông có rất nhiều “đại lý” bán sâm được giới thiệu là Ngọc Linh Kon Tum với giá khác nhau.
Trong khi đó, trên mạng, việc rao bán sâm Ngọc Linh cũng tràn lan, không chỉ ở Kon Tum, Quảng Nam, đây là 2 địa phương được cấp chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh mà cả các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Việc bán sâm giả tràn lan làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm sâm Ngọc Linh.
“Những giống và sâm bán ra thị trường hiện nay đa số giả, tỷ lệ 70-80%, sâm giả chỉ người trồng mới phân biệt được” ông Nguyễn Trung Hải khẳng định. Tuy nhiên, vì nhu cầu và giá trị cao của Sâm Ngọc Linh nên các đại lý trên vẫn còn nhiều đất sống.
Không dừng lại bán sâm củ giả, một số người, vì muốn tạo niềm tin cho khách mua cũng đã mang cả sâm giả lên các cánh rừng ở núi Ngọc Linh trồng. Theo người trồng sâm Kon Tum, việc trồng sâm giả sẽ để lại hậu quả không lường cho cây sâm Ngọc Linh Kon Tum. Sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc (rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum) đang đội lốt Ngọc Linh Kon Tum từng bước len lỏi lên các xã có sâm để trồng xen.
“Hiện một số cá nhân, doanh nghiệp đang sử dụng hạt giống và củ có hình dạng giống sâm Ngọc Linh mang từ Trung Quốc vào vùng Kon Tum và Quảng Nam bán cho dân, người tiêu dùng đang có nhu cầu mua giống về trồng. Nếu trồng trong vùng chỉ dẫn Ngọc Linh sẽ khiến cây sâm Ngọc Linh gốc bị lai tạp từn ngày, làm mất nguồn gen gốc”, lãnh đạo Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết. Đây cũng là nổi niềm của người trồng sâm và chính quyền các cấp trong tỉnh Kon Tum.
Trước thực trạng trên, trong suốt thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các diện tích sâm trồng trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng trên. Theo những người trồng sâm tại Kon Tum, vừa qua, ngay trước khi mùa sâm chưa ra hoa, chưa có hạt thu hoạch nhưng một số người đã mang hạt giống từ nơi khác về trồng, gọi là sâm Ngọc Linh.
Cá biệt, nhiều người trồng sâm nơi đây kể, vừa qua khi nghe có đoàn sẽ kiểm tra của tỉnh về trồng sâm Ngọc Linh, đã có người nhổ vườn sâm đang trồng giấu….Đây là những chuyện cười ra nước mắt của người trồng Sâm Ngọc Linh thật, chân chính tại Kon Tum.
Bên cạnh đó, việc mở rộng chỉ dẫn địa lý từ 2 xã lên thành 9 xã của 2 huyện Đăk Glei và Tumơrông cũng tạo cơ hội cho những người làm ăn không chân chính có thể phù phép sâm giả để trà trộn vào vùng có chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh Kon Tum.
“Nếu hội sâm hoạt động, quản lý không chặt sản phẩm trên thị trường thì sâm không nguồn gốc, chất lượng kém sẽ trà trộn vào. Hội sâm và các cơ quan chức năng sẽ thành lập tổ liên ngành để định kỳ kiểm tra. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn cho các ngành khi kiểm tra, quản lý chỉ dẫn địa lý.” bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum thừa nhận.
Được biết, tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết và thuận lợi để sâm Ngọc Linh Kon Tum bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tại tỉnh Kon Tum, đã có 9 xã thuộc 2 huyện Tumơrông và Đăk Glei được cấp chỉ dẫn địa lý.
Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai chính sách thuê rừng để quản lý, bảo vệ và kết hợp trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển được trên 500 ha Sâm Ngọc Linh, trong đó Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum có 470 ha, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô khoảng 15 ha, còn lại là diện tích của dân trồng.
TTXVN/Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm