Kinh tế

Giá cả thị trường

Gian nan chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bất chấp nỗ lực của các ngành chức năng, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Gia tăng số vụ
 Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Ảnh: D.Q
Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Ảnh: D.Q
Gia Lai là địa phương có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, có Cảng Hàng không Pleiku, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng nhập lậu vào địa bàn tỉnh tiêu thụ hoặc trung chuyển đi các tỉnh khác. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện 2.476 vụ vi phạm (tăng 810 vụ so với cùng kỳ năm 2017); số tiền xử phạt, truy thu và bán hàng hóa tịch thu là 18,7 tỷ đồng; khởi tố hình sự 21 vụ/13 bị can...
Liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, trong 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng như: Biên phòng, Hải quan, Quản lý Thị trường, Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý gần 1.000 vụ vi phạm. Còn về hành vi gian lận thương mại, trong khoảng thời gian trên, cơ quan chức năng đã xử phạt và truy thu vi phạm về thuế lên đến 6,4 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 số tiền xử phạt và truy thu nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả toàn tỉnh. Ngoài ra, tình hình vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm… cũng chiếm khá cao với hơn 400 vụ bị phát hiện. 
Lực lượng chức năng gặp khó
Ban chỉ đạo 389 quốc gia tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: D.Q
Ban chỉ đạo 389 quốc gia tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: D.Q
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, nguyên nhân khiến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đường biên giới giáp với nước Campuchia dài với nhiều đường mòn, lối mở; gian lận trong đo lường, chất lượng, nhãn bao bì hàng hóa, an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, kiểm soát; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ còn chưa cao, còn ngại khó, ngại va chạm trong quá trình công tác. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân khu vực biên giới và vùng sâu còn nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng lôi kéo tham gia tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu.
Ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho biết: Tuy đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành song do lực lượng mỏng, phương tiện lạc hậu nên việc triển khai các biện pháp kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn gặp khó khăn. Hơn nữa, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và khá manh động... Không chỉ vận chuyển hàng lậu bằng phương tiện ô tô mà các đối tượng còn vận chuyển cả bằng đường hàng không hoặc thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh. Hàng hóa vận chuyển qua các đường này chủ yếu là hàng giá trị cao, gọn nhẹ như: ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thậm chí là ma túy… Ngoài ra, ông Hà cũng cho rằng, vấn đề kinh phí cấp cho các lực lượng chức năng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế khiến nhiều đơn vị khó khăn trong công tác thanh toán chi phí lấy mẫu, kiểm định và nhiều khoản phát sinh khác. “Nếu vấn đề bổ sung biên chế, đầu tư trang-thiết bị, phương tiện hiện đại và kinh phí được quan tâm giải quyết thì chắc chắn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn”-ông Hà tin tưởng.
Còn đối với những vi phạm liên quan đến lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Trọng Bảo-Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các ngành và kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế phát hiện qua thanh tra nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thuế.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm