Thời sự - Bình luận

'Lên dây cót' cho điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.

Chỉ đạo này có cơ sở đầy đủ, dựa trên báo cáo về các nguồn từ điện than, điện khí, thủy điện... do Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp công bố tại cuộc họp. Đặc biệt, nó lên dây cót cho ngành điện về công tác chuẩn bị, phân bổ, huy động tất cả các nguồn điện vào phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của nền kinh tế một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả nhất. Bởi chúng ta đều biết lý do quan trọng dẫn đến thiếu điện cục bộ năm 2023 chính là từ công tác chỉ đạo điều hành điều tiết các hồ chứa thủy điện; quản lý chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia... mà một loạt cá nhân, tập thể đã bị kỷ luật.

Năm nay, thời tiết cực đoan và tiêu thụ điện còn khủng khiếp hơn. Thế nên nỗi lo thiếu điện đang ám ảnh người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Cứ tưởng tượng nắng nóng thế này mà bị cắt điện thì đúng là cực hình, nhất là với trẻ em, người già, người bệnh. Với doanh nghiệp, mất điện là ngưng sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, tiến độ, hợp đồng với khách hàng. Chưa kể máy móc, thiết bị công nghệ mà điện nước chập chờn thì nguy cơ hư hỏng cũng lớn hơn. Cao hơn nữa là ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư của VN trong mắt các công ty nước ngoài. Có thể nói độ sẵn sàng về điện luôn là một yếu tố quan trọng để thu hút vốn FDI ở bất cứ quốc gia nào.

Cung ứng điện nhiều năm nay vẫn luôn gặp áp lực do nhu cầu gia tăng tỷ lệ thuận với tăng trưởng của nền kinh tế. Ở giai đoạn này thì còn căng hơn, vừa nắng nóng kỷ lục còn kinh tế đang phục hồi... Thực trạng đó chúng ta đều nhìn thấy, đều hiểu. Nhưng ở chiều ngược lại, rõ ràng có một số nguồn điện vẫn chưa được tối ưu. Chẳng hạn như với điện mặt trời mái nhà, theo dự thảo mới nhất của Bộ Công thương thì việc mua bán trực tiếp chỉ được áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn, còn hộ gia đình, tòa nhà… chưa được giao dịch trực tiếp với nhau. Đặt trường hợp cơ chế mua bán điện trực tiếp mở cho cá nhân có thể bán lượng điện dư thừa không sử dụng hết cho nhà hàng xóm, ít nhiều cũng giảm tải cho ngành điện và giúp các hộ gia đình tự chủ hơn trong bối cảnh hiện nay. Tương tự, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng trong một tòa nhà mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia thì ngành điện cũng nhẹ gánh một phần... Các giải pháp này đều có thể làm ngay, làm nhanh, vậy thì tại sao không?

Còn nhớ năm ngoái, tình trạng thiếu điện và hàng loạt dự án năng lượng tái tạo không được huy động đã gây bức xúc dư luận mà sau đó, ngành điện cũng mất rất nhiều thời gian để xử lý. Vậy thì giờ, chắt chiu những nguồn lực, những lợi thế năng lượng tái tạo mà chúng ta có thiết nghĩ là việc đầu tiên mà ngành điện phải tính tới trong bối cảnh áp lực thiếu điện vẫn thường trực.

Hy vọng rằng với sự chủ động rất sớm và đã được đích thân Thủ tướng "lên dây cót", ngành điện sẽ thực hiện đúng cam kết không để thiếu điện, để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm