Pháp luật

Tin tức

Gian nan công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai đã phát hiện và xử lý gần 1.300 trường hợp buôn lậu và gian lận thương mại, tổng số tiền phạt gần 3,9 tỷ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh thì: “Thực tế số vụ vi phạm về gian lận thương mại còn có thể cao hơn rất nhiều nhưng ngành chức năng khó có thể phát hiện và xử lý”. Nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa, lượng hàng dự trữ với một số mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai đặt ra từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên theo đánh giá của ngành thì đây là công việc hết sức khó khăn vì các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng gian lận ngày một tinh vi. Các hành vi gian lận thương mại trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các phương thức, thủ đoạn thường là quay vòng hóa đơn chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; xé nhỏ lẻ các lô hàng để qua mắt các cơ quan chức năng hoặc đánh tráo một số sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng vào những lô hàng thật đã được kiểm tra…
Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu như gắn chíp điện tử, trộn dầu hỏa vào xăng, dùng xăng A83 bán thành A92; gian lận trong đo lường đối với sản phẩm gas và hàng hóa đóng gói sẵn... Cũng trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra 85 cơ sở, trong đó phát hiện và xử lý sai phạm 46 cơ sở với số tiền 571,65 triệu đồng, tịch thu tang vật  là 3 phương tiện đo nhiên liệu điện tử, đồng thời đề nghị thu hồi 2 giấy phép kinh doanh xăng dầu đã có hành vi gian lận trong kinh doanh nhằm thu lợi bất chính.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tấn, thì không chỉ có các mặt hàng có giá trị bị lợi dụng, mà các mặt hàng khác cũng dễ bị làm giả làm nhái, nhiều nhất là hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm và phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp phải bỏ công nghiên cứu ra sản phẩm mới rồi lại chi hàng tỷ đồng cho truyền thông, quảng cáo để đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng ngay lập tức hàng giả giá rẻ do không mất chi phí nghiên cứu, quảng bá đã lập tức tràn ngập và tranh giành thị phần. Do vậy, doanh thu của các đơn vị này sụt giảm từ 30% đến 40% so với thời điểm hàng giả chưa xuất hiện.
Theo nhận định, những tháng cuối năm tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đặt trọng tâm là triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát đúng quy trình thủ tục và chính xác, cần có sự nhập cuộc không chỉ của cơ quan chức năng, mà cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và sự vào cuộc của chính bản thân người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm