Pháp luật

Gian nan nghề tầm nã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi tòa tuyên án, nhiều bị cáo lợi dụng việc được cơ quan chức năng cho tại ngoại trước đó đã bỏ trốn khỏi địa phương, tìm đủ mọi cách ẩn mình, thậm chí thay tên đổi họ nhằm tạo vỏ bọc mới. Để bắt giữ những đối tượng này, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh Gia Lai phải ngược xuôi ra Bắc vào Nam, lần theo từng dấu vết tội phạm. Trên những dặm dài tầm nã ấy, không chỉ có sự hy sinh thầm lặng và tinh thần dũng cảm mà còn có cả những câu chuyện thấm đẫm tình người.

Gian nan truy tìm bị cáo bỏ trốn

Năm 2022, Phòng PC10 lập được nhiều chiến công khi truy bắt và vận động đầu thú 10 đối tượng bị truy nã vì trốn thi hành án. Trong những chiến công ấy, Đại úy Phan Công Hiền (Đội 1) nhớ nhất là hành trình gian nan kéo dài cả tháng trời để lần theo từng dấu vết đối tượng Lê Văn Hải (SN 1995, trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Theo hồ sơ vụ án, tháng 7-2019, sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh tuyên phạt 12 tháng tù về tội buôn bán hàng cấm (buôn bán pháo), lợi dụng việc được cho tại ngoại trước đó, Hải đã bỏ trốn khỏi địa phương. Sau nhiều tháng truy tìm không có kết quả, Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận vụ việc và ra quyết định truy nã đối với Lê Văn Hải.

Theo nhận định của các trinh sát, Hải có thể vào các tỉnh phía Nam hoặc về quê ở tỉnh Thanh Hóa để ẩn mình. Tuy nhiên, trong thời gian này, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc truy tìm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tháng 5-2022, từ các nguồn tin, Phòng PC10 xác định được Hải đang lẩn trốn tại TP. Hồ Chí Minh. Sau 3 tuần ngược xuôi từ Gia Lai vào TP. Hồ Chí Minh để xác định thông tin, lực lượng Phòng PC10 nhận được tin báo đối tượng đang sống ở nhà một người quen tại quận Bình Thạnh nhưng khi đến nơi thì Hải đã đi tìm việc làm tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. “Sau khi nắm chắc thông tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi xác định Hải đang trú tại một khu nhà trọ tại phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa). Nhưng khi đến đây lại có hàng trăm nhà trọ dành cho công nhân nên chưa thể xác định vị trí cụ thể của đối tượng. Sau 1 tuần bám địa bàn, chúng tôi đã bắt giữ được Hải về quy án trong sự bất ngờ của đối tượng”-Đại úy Hiền nhớ lại.

Đối tượng Trần Thị Mai bị bắt giữ sau 17 năm lẩn trốn. Ảnh: Lê Anh

Đối tượng Trần Thị Mai bị bắt giữ sau 17 năm lẩn trốn. Ảnh: Lê Anh

Những người làm trong nghề tầm nã đồng nghĩa với việc luôn phải đối mặt cùng muôn vàn áp lực, khó khăn và những chuyến công tác xa nhà triền miên. Bởi lẽ, tội phạm trốn truy nã thường chọn các địa điểm hiểm trở, thậm chí biệt lập với bên ngoài để lẩn trốn nên cán bộ, chiến sĩ phải đến tận hang cùng ngõ hẻm để bắt đối tượng về quy án. Thiếu tá Đỗ Mạnh Dũng-Phó Trưởng phòng PC10-chia sẻ: “Chỉ cần nắm được thông tin, vị trí của những đối tượng trốn chấp hành thi hành án là chúng tôi lên đường. Việc phải xa nhà hàng chục ngày là chuyện diễn ra như cơm bữa. Điển hình như vào đầu tháng 8-2022, khi truy bắt đối tượng Tô Thị Hảo (SN 1971, trú tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) trốn chấp hành bản án 3 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chúng tôi phải dãi nắng dầm mưa suốt 3 tuần mới bắt được đối tượng khi đang làm thuê tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai”.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người

Thiếu tá Đỗ Mạnh Dũng chia sẻ: Nguyên nhân các đối tượng phạm tội trốn thi hành án thì muôn màu muôn vẻ, nhưng trong các vụ thì ông vẫn nhớ như in về đối tượng Trần Thị Mai (SN 1969, trú tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa). Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 8-2000, do thường xuyên bị chồng bạo hành nên Trần Thị Mai (lúc này đang mang thai 4 tháng) đã ôm 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) nhảy xuống giếng tự tử. Dù được người dân phát hiện kịp thời nhưng khi vớt được 3 mẹ con thì 2 cháu nhỏ đã tử vong. Với hành vi trên, Mai bị các cơ quan chức năng tỉnh truy tố về hành vi giết người. Sau 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Mai bị tuyên phạt 8 năm tù. Do trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Mai được hoãn chấp hành án. Tuy nhiên, trong thời gian được hoãn chấp hành án đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 20-7-2005, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh ra quyết định truy nã đối với Trần Thị Mai.

Sau khi bỏ trốn, Mai đi làm thuê kiếm sống khắp các tỉnh ở khu vực phía Nam, sau đó đi theo gánh hát lô tô tại tỉnh Long An rồi về sống chung với một người đàn ông trong gánh hát tại xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trong 17 năm bỏ trốn với vỏ bọc mới, cuộc đời của Mai cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi chồng bị bệnh không đi lại được, đối tượng và con trai đều bị bệnh tim. Dù thế, Mai vẫn cố gắng bươn chải bằng nghề bán vé số để nuôi gia đình. “Khi chúng tôi nắm được thông tin và tiến hành bắt giữ Mai vào ngày 1-8-2022 để đưa về quy án, trong người đối tượng chỉ còn lại một ít thuốc trợ tim. Trước hoàn cảnh ấy, anh em trong đơn vị đã cùng nhau quyên góp được 2 triệu đồng mua thêm thuốc cho đối tượng trước khi làm các thủ tục đưa về trại giam để chấp hành án”-Thiếu tá Dũng nhớ lại.

Bắt được đối tượng bị truy nã là một quá trình gian nan thì việc vận động đối tượng đầu thú cũng là một nghệ thuật. Điển hình như việc vận động Trần Thanh Hên (SN 1993, trú tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) ra đầu thú khi đang lẩn trốn thi hành án. Theo đó, vào năm 2019, Hên bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, trong thời gian được tại ngoại chờ thi hành án, Hên đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 30-7-2019, Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định truy nã đối với Trần Thanh Hên. Về phía đối tượng, sau khi bỏ trốn đã đi đến các tỉnh Tây Nguyên làm thuê kiếm sống. Sau khi gia đình đối tượng chuyển đến xã Ia O (huyện Ia Grai) sinh sống thì Hên về sống cùng và làm nghề lặn để trục vớt củi trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Ở đây, đối tượng được ví như “người nhái” vì bơi lặn rất giỏi, dù đã 2 lần bị các lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước phục bắt nhưng đối tượng đều lặn xuống lòng hồ thoát thân.

Sau khi có văn bản đề nghị phối hợp, hỗ trợ bắt giữ đối tượng của Công an tỉnh Bình Phước, các cán bộ, chiến sĩ Phòng PC10 đã lập tức xác minh, lên phương án truy bắt. Qua nắm bắt thông tin, tìm hiểu về nhân thân, lai lịch và tâm lý đối tượng, cuối tháng 7-2022, đích thân Thượng tá Mai Xuân Điển-Trưởng phòng PC10 đến tận nhà Hên để vận động đối tượng ra đầu thú. Trước sự chân thành, kiên trì và những phân tích của Thượng tá Điển, ngày 10-9-2022, gia đình Hên đã thuê xe đưa đối tượng từ xã Ia O đến Phòng PC10 đầu thú.

Còn rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe kể, nhưng đối với những người lính tầm nã thì chỉ cần vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, họ sẵn sàng gác lại niềm vui riêng, tất tả trên những chuyến hành trình xuyên thời gian để làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm.

Có thể bạn quan tâm