Giáo dục

Tin tức

Giảng viên nhờ sinh viên thi hộ thì lên giảng đường ăn nói làm sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 19.9, Đại học Đà Nẵng cho biết đã có văn bản yêu cầu trường Đại học Kinh tế xử lý rốt ráo vụ giảng viên khoa Luật nhờ sinh viên đi thi hộ. Vụ gian lận thi cử gây bức xúc trong đội ngũ giảng viên nhà trường.


 

Đại học Đà Nẵng yêu cầu xử lý vụ gian lận thi cử.
Đại học Đà Nẵng yêu cầu xử lý vụ gian lận thi cử.


Vụ việc xảy ra năm 2021, giảng viên N.T.H.P, khoa luật Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, tham gia khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2 do Đại học Đà Nẵng tổ chức. Trong đợt thi hết môn, kết thúc khóa học vào ngày 2.4.2021, giảng viên P. đang điều trị tại bệnh viện nên nhờ một sinh viên năm 4 khoa luật đi thi hộ.

Chuyện khá bất ngờ là sinh viên đi thi hộ cho giảng viên để "chuẩn" chức danh giảng viên chính hạng 2 mà vẫn đỗ ngon lành.

Nhưng qua vụ việc này, còn thấy những việc rất đáng bàn trong việc đào tạo, thi cử và chất lượng học thuật tại trường này.

Một khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2 do Đại học Đà Nẵng tổ chức, một sinh viên là người ngoài danh sách, chưa đủ trình độ giảng viên, lại không theo học khóa bồi dưỡng mà vẫn thi đỗ. Điều này cho thấy, chất lượng chuyên môn, học thuật rất có vấn đề, hay tạm đánh giá là quá dễ, ngang tầm với một sinh viên.

Còn nữa, tại sao một khóa học bồi dưỡng, một kỳ thi quan trọng như vậy, mà để lọt một trường hợp thi hộ? Như vậy, việc tổ chức thi cử ở đây rất bê bối, lỏng lẻo, đây là trường hợp bị phát hiện, còn bao nhiêu trường hợp gian lận thi cử khác liệu có ai biết được.

Nữ giảng viên N.T.H.P, người nhờ sinh viên thi hộ, đã bị thu hồi quyết định kết nạp Đảng và thu hồi chứng chỉ đã cấp. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đến nay chưa thực hiện được. Tại cuộc họp đầu năm 2022, khi nhà trường triệu tập cuộc họp kiểm điểm thì nữ giảng viên khoa Luật lại cho rằng thời hạn xử lý với mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã hết thời hạn 90 ngày tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm.

Về quy định của pháp luật, có thể là hết thời hiệu xử lý kỷ luật, nhưng việc một giảng viên đại học gian lận thi cử, xét về mặt đạo đức thì không có "thời hiệu".

Nếu giảng viên N.T.H.P nằm bệnh viện trong khi gặp kỳ thi, thì có nhiều cách giải quyết, còn nhờ sinh viên thi hộ là gian lận thi cử.

Một giảng viên gian lận thi cử, bị phanh phui trước dư luận, thì làm sao có thể lên giảng đường để giảng dạy cho sinh viên, làm sao giáo dục đạo đức và chấp hành pháp luật cho học trò?


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giang-vien-nho-sinh-vien-thi-ho-thi-len-giang-duong-an-noi-lam-sao-1094914.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)
 

 

Có thể bạn quan tâm