Kinh tế

Giao đất trống đồi núi trọc cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm giúp hàng ngàn hộ nông dân có điều kiện tận dụng đất trống đồi núi trọc phục vụ sản xuất, đồng thời đưa mục tiêu nâng độ che phủ của rừng đến từng hộ dân, hơn 3 năm qua, UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) đã lập đề án “Giao rừng, cho thuê rừng kết hợp giao đất cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện” trình UBND tỉnh.  
Phương án tận dụng đất trống, đồi núi trọc
Huyện Krông Pa là một trong những huyện khó khăn nhất nằm phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, giáp giới tỉnh Phú Yên với tổng diện tích tự nhiên là 162.559,4 ha, trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 64,6%. Đây là huyện có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Theo số liệu điều tra của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pa, trên địa bàn huyện còn 17.676,9 ha đất trống, đồi núi trọc thuộc địa bàn của 13 xã trên địa bàn huyện chưa được giao cho các chủ quản lý sử dụng. Trong đó, 4.249,6 ha thuộc rừng phòng hộ, 13.427,3 ha thuộc đất rừng sản xuất đều đang ở trạng thái đất trống, đồi núi trọc.
Đề án giao đất trống đồi núi trọc cho nông dân huyện Krông Pa vừa tận dụng được đất trống, đồi núi trọc vừa mang lại nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ dân sống ven rừng. Ảnh: Thanh Sơn
Đề án giao đất trống đồi núi trọc cho nông dân huyện Krông Pa vừa tận dụng được đất trống, đồi núi trọc vừa mang lại nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ dân sống ven rừng. Ảnh: Thanh Sơn
UBND huyện Krông Pa đã lập đề án trình UBND tỉnh về vấn đề “Giao rừng, cho thuê rừng kết hợp giao đất cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện”. Đề án được xây dựng căn cứ theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như các nghị định, quyết định của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh Gia Lai về những vấn đề liên quan.
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: “Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng đang từng bước được đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số hạn chế lớn như sự chênh lệch giữa tỷ lệ diện tích rừng do khối nhà nước và khối tư nhân quản lý làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách giao rừng, cho thuê rừng của Nhà nước và chưa huy động được nguồn lực to lớn trong dân”.
Hiệu quả thiết thực từ đề án mới
Cũng theo ông Đinh Xuân Duyên, trên thực tế diện tích rừng có chủ thực sự rất thấp, dẫn đến tình trạng rừng chưa được bảo vệ và quản lý sử dụng có hiệu quả. Các diện tích rừng do UBND các cấp quản lý thì cơ bản vẫn trong tình trạng vô chủ hoặc không được bảo vệ, quản lý tốt; nhiều diện tích rừng giao cho các hộ gia đình cá thể chưa được phát huy hiệu quả kinh tế, người dân vẫn chưa sống được bằng nghề rừng.
Công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa gắn kết với công tác giao rừng và cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm. Vì thế, hiệu quả sử dụng rừng và đất rừng rất thấp, tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm và đời sống của người dân cũng chưa được cải thiện.
Vì vậy, để phát huy thế mạnh của sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thì việc xây dựng và thực hiện “Đề án giao rừng, cho thuê rừng kết hợp giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pa” cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển sản xuất bền vững trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Đề án không chỉ bản thân nó giải quyết được vấn đề lãng phí diện tích đất trống, đồi núi trọc mà còn tận dụng được tiềm lực, thế mạnh và nguồn vốn từ trong dân.
Nên chăng sớm giao, cho thuê diện tích đất trống, đồi núi trọc trên cho các hộ nông dân ở gần rừng dùng để trồng các loại cây lâm nghiệp chính theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đây cũng là cách tạo việc làm cho người dân, giúp người dân sống được bằng nguồn thu nhập từ chính các sản phẩm từ rừng. Gắn bó lợi ích của người dân với rừng là cách để bảo vệ rừng và phát triển rừng tốt nhất. Đặc biệt là ngân sách sẽ có thêm một khoản thu hàng năm từ việc cho thuê các diện tích rừng và đất lâm nghiệp.
Hơn nữa, đề án này có thể lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ một cách có hiệu quả nhất. Nó còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng được một thế trận quốc phòng-an ninh vững chắc.
Anh Kpă Pơp-một người dân tại xã Ia Dréh bộc bạch: “Mình đã lập gia đình và tách hộ 7 năm rồi. Cả hai vợ chồng đều đủ sức lao động và chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn cứ nghèo khó vì thiếu đất sản xuất mà điều kiện tự nhiên thì khắc nghiệt. Nếu có tìm được rẫy thì cũng chỉ trồng lúa cạn hoặc mì được vài vụ rồi đất cũng xói mòn, bạc màu. Nếu được Nhà nước tạo điều kiện về đất hoặc rừng và vốn thì vất vả bao nhiêu mình cũng bám rừng và làm theo hướng dẫn của Nhà nước để sau này có tương lai tốt hơn…”.
Hiện đề án này đang được các cơ quan hữu trách huyện Krông Pa xây dựng hoàn chỉnh trình UBND tỉnh Gia Lai. Khi đề án định hình nếu được thực hiện sẽ góp một phần không nhỏ để chia sẻ gánh nặng cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tiến hành.
Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm