Nguồn tin từ cơ quan chức năng ngày 2-9 cho biết, sau một cuộc kiểm tra mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ninh Hòa đã giao khoán cho cá nhân bảo vệ hàng trăm hec-ta rừng ở xã Ninh Tây trái luật.
Rừng căm xe ở Ninh Tây còn tồn tại hơn 420 ha, nhưng tại hợp đồng lập ngày 21-3-2017, ông Nguyễn Công Hà – Giám đốc Ban QLRPH Ninh Hòa đã giao khoán cho cá nhân ông Nguyễn Thành Công Tuấn – trú ở phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh bảo vệ hơn 257 ha, trong đó có hơn 150 ha đất có rừng căm xe, 6,5 ha đất có cây gỗ rừng tái sinh và hơn 100 ha đất nương rẫy.
Một số súc gỗ do lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ từ rừng căm xe Ninh Tây đã bị Hạt kiểm lâm thị xã Ninh Hòa bắt giữ khi đưa lên xe ô tô vận chuyển đi nơi khác. |
Điều lạ lùng là một trong những căn cứ pháp lý để xác lập hợp đồng nêu trên là Bộ luật dân sự 2005, trong khi bộ luật này đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2017 và đã được thay thế bởi Bộ luật dân sự 2015. Trớ trêu hơn nữa là trong hợp đồng không căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng mà lại căn cứ…Luật thương mại !?.
Mặt khác, theo quy định tại mục 2, điều 6 Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ quy định về hạn mức giao khoán cho cá nhân không quá 15 ha, giao khoán cho hộ gia đình không quá 30 ha, trong khi ông Nguyễn Thành Công Tuấn được giao khoản hơn 257 ha ?
Hơn nửa tháng sau khi xác lập hợp đồng giao khoản bảo vệ rừng trái phép luật, Giám đốc Ban QLRPH Ninh Hòa còn ký văn bản cho phép người nhận khoán xây dựng nhà và chuồng trại chăn nuôi dê có tổng diện tích 230m2 trong khu rừng căm xe.
Theo ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, mặc dù hợp đồng giao khoán cho ông Nguyễn Thành Công Tuấn nhưng thực tế người đảm trách bảo vệ và chăn nuôi đàn dê là ông Sử Hồng Quốc Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây.
Nghiêm trọng hơn nữa là sau khi Ban QLRPH Ninh Hòa giao khoán cho ông Nguyễn Thành Công Tuấn, nạn phá rừng ở Ninh Tây vẫn tái diễn. Thời gian gần đây, hàng trăm cây gỗ trong rừng căm xe ở Ninh Tây đã bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ thành gỗ hộp trước khi đưa lên xe máy tăng tốc vượt qua những cung đường dốc gập ghềnh bên triền núi chở về cất giấu trong khu dân cư ở buôn Tương, xã Ninh Tây, sau đó bán lại cho những đối tượng mua bán gỗ lậu vận chuyển bằng xe ô tô tải ra hướng quốc lộ 26 lúc nửa đêm, mờ sáng...
Nhiều người quan tâm đến vụ việc này đặt câu hỏi : hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng nêu trên được xác lập là do Giám đốc Ban QLRPH Ninh Hòa non kém nghiệp vụ hay do cố tình làm trái pháp luật ? Có bao nhiêu cây gỗ căm xe trong diện tích rừng giao khoán cá nhân bảo vệ đã bị đốn hạ và trách nhiệm thuộc về ai khi mà hợp đồng giao khoán có căn cứ và nội dung trái pháp luật ? Đó là những câu hỏi cần được các cơ quan chức trách xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Hữu Toàn (Công an nhân dân)