(GLO)- Giao tài sản nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp được xem là bước gỡ nút thắt về cơ chế nhằm giúp các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ hoặc liên doanh liên kết, cho thuê tài sản.
Sở Tài chính và các đơn vị ký biên bản bàn giao tài sản nhà nước. Ảnh: S.C |
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thực hiện tự chủ là 147 đơn vị. Trong đó, có 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; 43 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 43 đơn vị và 94 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động. Căn cứ quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một trong các loại hình sau đây: đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Thông qua đề xuất của các đơn vị sự nghiệp công lập, cuối tháng 6-2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao tài sản nhà nước cho 42 đơn vị trực thuộc các sở, ngành với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, đất có giá trị trên 2.151 tỷ đồng; nhà có giá trị gần 500 tỷ đồng; vật kiến trúc, các tài sản gắn liền với nhà, đất có giá trị trên 56 tỷ đồng; phương tiện vận tải có giá trị trên 11 tỷ đồng; tài sản khác trên 295 tỷ đồng; tài sản chưa bàn giao chờ xử lý trên 91 tỷ đồng. Đơn vị có giá trị tài sản được giao cao nhất là trên 530 tỷ đồng; đơn vị có giá trị tài sản được giao thấp nhất là trên 366 triệu đồng. Tài sản được giao cho các đơn vị có giá trị lớn chủ yếu là đất, chiếm tỷ lệ hơn 72%; nhà hơn 15,7%; vật kiến trúc hơn 1,8%; phương tiện vận tải 0,38%; tài sản khác hơn 9,9% so với tổng giá trị tài sản giao cho các đơn vị.
Theo nhận định của ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính, trong điều kiện hiện nay, chủ trương giao tài sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập quản theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp bước đầu thực hiện không tránh khỏi những khó khăn. Do vậy, các đơn vị phải chủ động xây dựng phương án hoạt động hiệu quả để có nguồn thu tốt nhất, từng bước giảm kinh phí cấp phát từ ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Đối với một số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, sẽ tiến tới tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh nhìn nhận, đây là lộ trình lớn và có những tác động tích cực từ việc bàn giao tài sản nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Công ty Phát triển hạ tầng khu kinh tế. “Trước đây, việc quản lý tài sản chưa thực sự đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính nên việc tính phí dịch vụ, đổi mới trang-thiết bị, quản lý tài sản còn nhiều bất cập. Khi đơn vị được bàn giao tài sản nhà nước thì đương nhiên phải hoạt động như một doanh nghiệp, bởi gắn với trách nhiệm, tự chủ động quản lý, bảo toàn và phát triển vốn. Đơn cử như việc tính giá dịch vụ, Ban và Công ty có thể tính toán giá dịch vụ công chính xác và đầy đủ khi chủ động khai thác, quản lý tài sản. Bên cạnh đó, sẽ giảm kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cũng như chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư kinh doanh dịch vụ”. Trong đợt này, Công ty Phát triển hạ tầng khu kinh tế được bàn giao tài sản trị giá khoảng 8 tỷ đồng, bao gồm vật kiến trúc và các tài sản gắn liền với nhà, đất, phương tiện vận tải.
3 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên chưa được giao vốn đợt này là Trung tâm quy hoạch kiểm định xây dựng (Sở Xây dựng), Phòng Công chứng số 1 và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp). 4 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chưa được giao vốn là Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện tâm thần kinh, Nhà khách Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. |
Sơn Ca