Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao thông mở lối kết nối phát triển-Kỳ 1: Những con đường kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh, khó khăn lớn nhất chính là giao thông trắc trở. Việc Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng giao thông không chỉ góp phần giảm nghèo ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn tạo đà để Gia Lai “vươn ra biển lớn”.
Đường sá đi lại khó khăn, trắc trở nên cuộc sống người dân tại một số địa phương trong tỉnh gần như biệt lập, muốn kết nối với thế giới bên ngoài phải qua những con đường mòn vượt núi, xuyên rừng… Chính vì vậy, chỉ có mở đường mới giúp bà con thoát khỏi đám mây mù của đói nghèo, lạc hậu.
“Ốc đảo” nơi đèo thẳm
Vừa thấy chiếc xe tải đỗ xịch bên đường, anh H’Vun (làng Kon Ktonh, xã Kon Pne, huyện Kbang) nhanh chóng cùng thương lái cân những bao mì được chất thành đống trước sân nhà. Vụ này, hơn 1 ha mì cho thu hoạch được hơn 7 tấn khô, với giá bán 3.200 đồng/kg, anh thu về hơn 22 triệu đồng. Đó là chưa kể 4 sào bời lời, 6 sào lúa nước và 2 sào mắc ca đang đến kỳ thu hoạch. Theo anh H’Vun, đời sống người Bahnar nơi đây chuyển biến rõ nét từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường từ trung tâm xã đến huyện. Anh H’Vưn phấn khởi cho hay: “Kon Pne giờ đã khác trước, từ xã đi xe máy chưa đầy 2 tiếng đồng hồ là ra đến huyện. Vài tháng trở lại đây, mỗi ngày có 2 chuyến xe vào xã để đưa đón khách. Hàng nông sản của bà con được thương lái tìm mua ngay tại rẫy, vô cùng tiện lợi”.
Anh H’Vun cho biết thêm, ngày trước, muốn vào xã thì chỉ có cách là lội bộ, xuyên rừng vượt núi cả ngày mới đến. Giờ đường sá thuận lợi, cán bộ nông nghiệp của huyện thường xuyên đến tận làng hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây; mở lớp tập huấn, chỉ cho bà con cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước. Quan trọng hơn là người dân được tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập.
Tuyến đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang) được bê tông hóa giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Minh Nguyễn
Tuyến đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang) được bê tông hóa giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Minh Nguyễn
Quãng đường từ TP. Pleiku đến xã Kon Pne xấp xỉ 200 km. Đáng chú ý, đoạn đường từ xã Đak Rong vào đây chưa đầy 30 km nhưng trước đây phải mất gần 1 ngày mới đến. Chính vì vậy, Kon Pne được ví như “ốc đảo”. Để vào được xã phải lội bộ theo đường mòn dưới rừng già nguyên sinh vắt vẻo trên các sườn núi, một bên dốc cao dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Khiu nhớ lại: Xã cách trung tâm huyện hơn 80 km. Thời còn học sinh, mỗi lần đến trường, ông phải mất 2 ngày 1 đêm mới ra được đến nơi. “Vừa đi, vừa thận trọng dò đường, bởi chỉ cần sảy chân hay trượt dốc là nguy hiểm đến tính mạng. Nhớ nhà, nhớ làng nhưng vì trở ngại đường đi nên mỗi năm tôi chỉ về nhà 2 lần vào dịp Tết và hè. Vượt đường vất vả nên không ít bạn học cùng khi đó bỏ dở giữa chừng”-ông Khiu kể.
Nhắc nhớ về thời điểm khốn khó, giọng ông Khiu trầm ngâm: Cũng vì không có đường giao thông, Kon Pne gần như biệt lập, tứ bề núi non bao bọc. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Vì vậy, gần 30 năm sau ngày giải phóng, Kon Pne vẫn là xã đặc biệt khó khăn: không điện-đường-trường-trạm. Đa phần người dân Kon Pne vẫn chỉ quen với lối canh tác “phát, đốt, chọc, trỉa” và hoàn toàn tự cung tự cấp, tự túc. Đời sống của bà con hết sức khó khăn, thiếu đói, lạc hậu; mỗi lần muốn bán con heo hay con bò thì phải dắt theo chúng lội rừng qua xã khác của huyện Đak Đoa, Mang Yang hay Kon Plông (tỉnh Kon Tum), mãi quá buổi mới đến. Mua xong ít mắm, muối, cá khô, bột ngọt... họ vội vã quay trở lại làng, còn lỡ gặp mưa thì phải ngủ lại giữa rừng.
Đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang) được bê tông hóa tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang) được bê tông hóa tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Hơn 20 năm cõng chữ lên vùng cao, thầy Lê Tiến Thể-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne đã từng trải bao nỗi nhọc nhằn vượt núi, lội rừng. Mỗi tháng, các thầy cô ở đây mới nghĩ đến việc về nhà một lần. Thầy Thể cho hay: “Từ năm 2004, con đường mòn vòng qua núi Kon Hleng được san ủi. Tuy chỉ là đường đất nhưng các giáo viên từ thị trấn Kbang vào đây dạy học đỡ vất vả hơn. Trời nắng, đường khô ráo thì đi xe máy chỉ mất gần 2 giờ là đến trung tâm xã. Nếu gặp trời mưa thì phải mất hơn 4 giờ. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tuyến đường vào xã được bê tông hóa, thời gian đi lại được rút ngắn. Nhiều thầy cô cũng như một vài người dân ở đây đã mua ô tô để việc đi lại thuận lợi hơn”.
Cách đây chưa đầy 3 năm, làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vẫn còn là “ốc đảo”, giao thông cách trở. Con đường vượt núi từng là nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến. Từ tỉnh lộ 666 đến làng chỉ hơn 6,6 km nhưng toàn đường rừng cộng với con dốc cao chót vót, một bên là vách đá cheo leo, một bên là thung sâu hun hút. Vào mùa mưa lũ, không có phương tiện giao thông nào đến được ngôi làng nằm “giữa lưng chừng trời” này. Không những bị cô lập về giao thông mà làng cũng không có trạm phát sóng viễn thông nên người dân chưa thể dùng điện thoại. Do vậy, chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục từ khi có con đường, không chỉ dân làng mà những thầy cô gieo chữ ở đỉnh Pờ Yầu đều rất phấn khởi. Đường đã mở, kéo theo thông tin liên lạc được kết nối giúp họ yên tâm bám lớp, bám trường để đem con chữ đến với các em học sinh nơi đỉnh Pờ Yầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 
Vào mùa mưa lũ, các thầy cô giáo rất vất vả mới có thể vào được điểm trường ở ngôi làng nằm “giữa lưng chừng trời” Pờ Yầu gieo chữ cho các em học sinh. Ảnh: Minh Nguyễn
Vào mùa mưa lũ, các thầy cô giáo rất vất vả mới có thể vào được điểm trường ở ngôi làng nằm “giữa lưng chừng trời” Pờ Yầu gieo chữ cho các em học sinh. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhớ lại lần đầu đặt chân đến vùng đất này, cô Nguyễn Thị Thu Hiếu-giáo viên điểm trường Pờ Yầu (Trường Tiểu học Lơ Pang) không khỏi rùng mình: Khi nhìn ngược lên con dốc dựng đứng vời vợi, nước mắt cô chảy tràn lúc nào chẳng hay. Cô giáo trẻ không thể hình dung nổi những khó khăn đang phải đối mặt, cảm giác lo lắng, bất an luôn thường trực. Mùa mưa, mặt đường trơn trượt như đổ mỡ, lại sình lầy. “Đi bộ đã khó mà đẩy xe vượt dốc lại càng gian nan, vất vả. Ngã xe, trầy xước, lấm lem bùn đất là chuyện thường. Mỗi lần đi phải có 3 đến 4 người để hỗ trợ, dìu xe cho nhau, cứ như vậy hàng mấy giờ đồng hồ mới đến được làng. Đoạn đường tuy ngắn nhưng lại khó đi nên mỗi tuần thầy cô mới “xuống núi” một lần”-cô Hiếu hồi nhớ.
Nhọc nhằn nắng bụi, mưa lầy
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Drưm (làng Đê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) trải lòng: Chỉ những ai từng đến đây mới hiểu mong mỏi lớn lao có con đường bê tông. Nằm trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, làng Đê Kôn tách biệt hẳn với các thôn, làng khác của xã. Mùa mưa, đường xấu, người dân lỡ bị đau ốm phải thay nhau khiêng, cõng xuống núi. Ông Drưm nhớ mãi chuyện cách đây hơn 2 năm, cháu Vẽ (3 tuổi) bị ong đốt nhưng do đường xấu, không thể đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã tử vong. Chưa hết, đầu năm học 2020-2021, sau cú ngã xe trong chuyến ngược núi “cõng chữ” lên làng, một cô giáo mầm non bị gãy chân, còn cô giáo tiểu học thì gãy đến… 5 chiếc xương sườn. Không chỉ vậy, đoạn đường đèo ẩn chứa nhiều hiểm nguy này còn cản bước những em trong độ tuổi THCS đi học tại trung tâm xã.
Ông Trần Thanh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Hà Ra-thông tin: Làng Đê Kôn có 54 hộ với 238 khẩu, 100% là người Bahnar. Mùa mưa, gần như người dân ở đây bị cô lập; địa hình cách trở khiến giá nông sản luôn thấp hơn dưới núi vì phải cõng thêm phí vận chuyển. Cuộc sống của dân làng vì thế càng thêm khó khăn. “Làng Đê Kôn hiện còn 16 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Do vậy, con đường huyết mạch nối với quốc lộ 19 không chỉ là niềm khát khao của người dân Đê Kôn mà bà con các làng: Jơ Long, Bok Ayol, Kdung, Bchăk cũng háo hức chờ đợi ngày đường hoàn thành, đưa vào sử dụng”-Chủ tịch UBND xã Hà Ra chia sẻ.
Mùa mưa, gần như người dân ở làng Đê Kôn hầu như bị cô lập, địa hình cách trở khiến giá các loại nông sản làm ra luôn thấp hơn dưới núi vì phải cõng thêm phí vận chuyển. Ảnh: Minh Nguyễn
Mùa mưa, làng Đê Kôn gần như bị cô lập, địa hình cách trở khiến giá các loại nông sản làm ra thấp hơn dưới núi vì phải cõng thêm phí vận chuyển. Ảnh: Minh Nguyễn
Một dự án khác rất đáng chú ý là tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ có chiều dài 21,5 km với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối quốc lộ 19 với trục đường liên xã Ia Pnôn, Ia Nan đến quốc lộ 14C và Đồn Biên phòng Ia Nan, trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng biên.
Bước qua tuổi 70, hơn ai hết, ông Rơ Châm Djơt-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn hiểu rõ nỗi khổ của người dân sinh sống dọc con đường nắng bụi, mưa lầy. Chỉ sau vài cơn mưa, đoạn từ trung tâm xã ra quốc lộ 19 chỉ có hơn 15 km nhưng có khi phải mất cả nửa buổi. “Thấy đường được đầu tư làm mới, mình rất vui. Sắp tới, người dân đi lại an toàn, thuận tiện rồi. Khi giao thương thuận lợi sẽ kéo theo kinh tế-xã hội phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng dần hộ khá, hộ giàu”-ông Djơt phấn khởi nói.
Thi công tuyến đường giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ. Ảnh: Minh Nguyễn
Thi công tuyến đường giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ. Ảnh: Minh Nguyễn
Xã Ia Pnôn có 1.127 hộ với trên 5.000 khẩu sinh sống tại 3 thôn, làng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số của xã chiếm trên 97%. Ông Phan Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND xã-nhận định: “Hạ tầng giao thông khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do vậy, tuyến đường giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ đi qua xã sẽ giúp việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như trung tâm huyện được thuận lợi hơn. Việc tháo gỡ nút thắt về giao thông không chỉ là cầu nối giúp kinh tế-xã hội địa phương phát triển mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Một tuyến đường huyết mạch khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay là tỉnh lộ 665 có tổng chiều dài 65 km (điểm đầu nối quốc lộ 14, điểm cuối giao quốc lộ 14C) đi qua địa bàn 6 xã của huyện Chư Prông gồm: Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga, Ia Mơr, kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: Cứ vào mùa mưa, bà con phải sống chung với cảnh lầy lội, nhiều điểm trũng thấp đến mức máy cày cũng không qua được. “Gỡ bỏ thế bế tắc về giao thông sẽ giúp vận chuyển nông sản thuận lợi hơn góp phần tạo động lực phát triển; người dân của xã mới mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp họ vươn lên thoát nghèo”-ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm