TN - Đất & Người

Giao thương Tây Nguyên với đồng bằng qua ghi chép của người Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi nói về mối giao thương giữa Tây Nguyên với đồng bằng miền Trung thời các chúa Nguyễn, người ta hay dẫn sự điển hình từ nguồn Phương Kiệu hay An Khê trường qua ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”: Mỗi năm tiền thuế thu được ở đây lên tới 1.500 quan tiền. Đó là một nguồn lợi lớn của Đàng Trong. Thực ra, mối giao thương giữa Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung không chỉ qua một trung tâm này. Những ngả đường thương mại cũng như thể thức buôn bán khác, hãy cùng tìm hiểu qua ghi chép của một số người Pháp có mặt trước khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên…
Cao nguyên Trung phần là xứ sở rất giàu có về tài nguyên rừng, đặc biệt là trầm hương. Giáo sĩ Borri trong ghi chép về “Kemoi” xác nhận: “Các tác gia xưa, các sử gia và các nhà văn Ả Rập, các nhà du hành Ba Tư, châu Âu đều nhất trí ca ngợi sự quý hiếm và giá trị của loại gỗ quý nhất trong tất cả các loại cây này”. Đứng sau trầm hương là gỗ mun, quế... cam la bà (?) “cũng rất có giá trị”.
Ngay cả cây mây thì dưới mắt người châu Âu cũng rất quý. Đặc biệt là động vật rừng thì như tác giả Cabaton chép: “Do đồng cỏ trong các khu rừng rộng lớn này rất tươi tốt, nên rất nhiều loại thú dữ, đủ loài, từ các nơi kéo tới… Trong những cánh rừng xa nhất, bao lấy một mặt của xứ sở hai vị thần quyền là “Vua” Nước và “Vua” Lửa, có nhiều hổ hơn bất cứ một nơi nào khác. Thực tế, thỉnh thoảng người ta thấy chúng ra khỏi chỗ nghỉ ngơi cùng với lũ gấu đi tìm mồi. Chó sói cũng thường hay xuất hiện; tê giác, hươu, nai, sóc, thỏ rừng… số lượng rất lớn, nhất là những nơi có địa thế cao hơn…”.
Với nguồn tài nguyên phong phú như vậy, giao thương giữa Tây Nguyên và đồng bằng là một mối lợi lớn. Bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, mối lợi này đã được kiểm soát bằng cách cấp môn bài cho các thương nhân “trúng thầu” gọi là “lãnh mãi”. Sau đó, các lãnh mãi lại “bán cái” cho các thương nhân khác. Họ là những người duy nhất được phép buôn bán trong vùng đồng bào dân tộc.
Brière viết: “Những người được lãnh mãi cho phép tới chỗ người bản địa buôn bán được gọi là lái buôn. Cư trú ở các làng, rất thành thạo xứ sở này và nói được phương ngữ bản địa, họ càng nhanh chóng trở thành những người trung gian có môn bài và cần thiết trong việc buôn bán, khi các lãnh mãi ngày càng chấp nhận ở lại trong các làng, sống bằng khoản nộp của đám lái buôn và thuế mười phân đánh vào những người bản địa khi họ mang các sản vật miền núi tới các làng An Nam đổi lấy hàng hóa”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Trong tất cả các mặt hàng lâm-thổ sản, quế là thứ hàng hóa buôn bán sôi động nhất. Địa bàn Bắc Tây Nguyên thuộc tỉnh Kon Tum bây giờ, người Ca Dong-một nhánh của người Xê Đăng, rất giỏi nghề trồng và khai thác quế tự nhiên. Khí hậu nóng ẩm, núi non quanh năm như chìm trong tầng mây cổ tích đã khiến quế ở đây rất nổi tiếng, được sử sách ghi chép từ thế kỷ XIII. Quế có nhiều loại nhưng phẩm chất dược liệu nổi trội nhất là quế mọc tự nhiên trên các triền núi cao mà người Ca Dong vẫn gọi là “quế trời”, rất đắt giá, được coi là ngang hàng với quế Thanh… Việc mua bán quế diễn ra chủ yếu từ tháng 2 tới tháng 4 Âm lịch…
Henri Maitre dẫn lại ghi chép của Brière trong “Rừng người Thượng”: Tới mùa thuận lợi đó, các cửa hàng ở Hội An gửi hàng hóa tới các chợ quế. Ở đấy họ có người thường trực nhận hàng hóa rồi giao cho lái buôn tổ chức các chuyến đi. Bởi phương thức mua bán chủ yếu là “hàng đổi hàng” nên hành trình thường dài và nặng nhọc. “Đôi khi, họ phải đi bộ 5 hay 6 ngày, leo lên những ngọn núi hiểm trở phủ kín rừng mênh mông, còng lưng dưới những thứ hàng kỳ quặc mà họ sẽ trao cho người Thượng để đổi lấy quế”.
Tiếp theo, trình tự mua bán được tác giả ghi lại qua những chi tiết thú vị: “Tới vùng quế, những người An Nam này phải ở trong những ngôi nhà nhỏ do người Thượng dựng ở cổng làng dành riêng cho họ. Người ta mở hội, giết trâu do lái buôn mang lên, người ta uống rượu và đúng như câu ngạn ngữ “phải uống cho tới xỉn”; rồi người ta đi thăm rừng quế. Để đảm bảo chất lượng, người lái buôn tách ở mỗi cây vài mảnh vỏ. Khi đã lựa xong, người ta bàn thảo về giá cả và cuối cùng ngả giá được giữa hai cút rượu hút từ chiếc ché lớn tráng men buộc ở chiếc cột thiêng, nơi tất cả đàn ông trong làng uống theo phiên… Mua bán xong, ngay lập tức các cây quế liền bị bóc vỏ, và vỏ được đóng thành bó thay chỗ cho các hàng hóa được trao đổi, rồi người lái buôn với phu lên đường trở về đồng bằng…”.
Cũng có những cuộc trao đổi hàng hóa diễn ra không thuận buồm xuôi gió, thậm chí là xung đột dẫn đến chết người khi có những lái buôn lợi dụng sự thật thà của người dân bản địa để “bóc vỏ những cây quế không nằm trong thỏa thuận mua bán”… Tham gia các phi vụ buôn bán quế không chỉ người Việt mà còn có các lái buôn người Tàu.
Với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, lái buôn Tàu nắm nguồn hàng, nắm những gốc quế loại đặc biệt để ăn lãi cả hai đầu: “Được người Trung Quốc bán nợ cho các hàng dùng để đổi chác với lời hứa sẽ trả bằng các sản vật miền núi, họ (tức các lái buôn) cùng với đoàn phu khuân vác mang theo cồng chiêng, vải vóc… đi vào vùng Thượng. Trở về, họ mang quế, sáp ong, chàm, đay… Tuy nhiên, những người Trung Quốc thường định giá thấp hơn giá trị thực, chỉ vừa đủ cho họ bù đắp các chi phí”.
Cho đến khi thực dân Pháp đặt xong ách thống trị lên Tây Nguyên, lập sở quản lý thuế để thâu tóm nguồn lợi buôn bán này, họ phát hiện các lãnh mãi và lái buôn ở Trà My, Phước Sơn còn nợ thương nhân Trung Quốc lần lượt là 120.000 và 5.000 quan tiền!
Chợ chính để giao thương của vùng Bắc Tây Nguyên bấy giờ là Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi). Thị trường xuất khẩu lớn nhất, nơi nhập toàn bộ quế của Trung kỳ là Hồng Kông. 
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm