Bạn đọc

Giao tiếp bằng ngôn ngữ… không lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong giao tiếp, ngôn ngữ không lời có tầm quan trọng hơn cả giao tiếp có lời nhưng điều này ít ai để ý, hoặc biết nhưng không áp dụng vào thực tế.

Giáo sư-Tiến sĩ Tâm lý học Albert Mehraham, trong cuốn Silent Messages, đã viết: Sức mạnh của thông điệp thể hiện ở ngôn từ 7%, giọng nói 38%, hình ảnh (ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ không lời) 55%. Điều ai đó nói ra chưa chắc đã là điều họ muốn nói, mà điều họ muốn nói có khi lại ẩn chứa trong hình ảnh và giọng nói. Cùng một câu nhưng nói với giọng điệu khác nhau, cử chỉ điệu bộ khác nhau sẽ có nghĩa khác nhau. Vì vậy, việc khó nhất trong giao tiếp là sự thấu hiểu. Thông thường chúng ta lắng nghe nhưng không thật sự thấu hiểu, vì ta mới chỉ lắng nghe bằng tai chứ chưa lắng nghe bằng mắt, bằng trí óc, con tim.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vai trò của xúc giác-một trong những ngôn ngữ không lời-đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Các chuyên gia đã làm thử nghiệm tại một bệnh viện của London (Anh). Cụ thể, vào đêm trước khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ đến thăm người bệnh của mình, nói với anh ta về công việc sắp tới, đồng thời trả lời các câu hỏi của bệnh nhân. Trong suốt thử nghiệm này, bác sĩ sẽ vừa nắm tay người bệnh vừa nói chuyện. Kết quả là những bệnh nhân này thường có khả năng phục hồi nhanh gấp 3 lần những bệnh nhân khác. Trong quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, cái nắm tay còn có tác dụng lớn như thế, huống gì trong quan hệ vợ chồng.

Trong giao tiếp giữa vợ và chồng, các con số mà Giáo sư Albert Mehraham đưa ra càng có ý nghĩa. Đôi khi điều vợ/chồng muốn nói với nhau lại không được thể hiện qua lời nói mà chủ yếu là qua giọng nói, hình ảnh. Có một câu nói tôi rất thích “Không có sự hấp dẫn giới tính nào bằng giọng nói”. Vậy mà, nhiều phụ nữ đã quên mất sức mạnh của giọng nói, khi nói với chồng thường có giọng gay gắt, chỉ trích, giận dỗi… Trong khi đó, các cô gái bên ngoài, các cô đồng nghiệp, các cô bán hàng, làm việc ở các dịch vụ… lại luôn nói thật ngọt ngào. Có lẽ các ông chồng thích ở quán xá mà ít thích về nhà là vì vậy? Tôi thường nói các chị, sao lại để những bức bối của cuộc sống cơm áo, gạo tiền tước mất vũ khí mạnh nhất của mình? Các chị cứ lo “thuận” đi đã, mọi khó khăn rồi vợ chồng sẽ cùng vượt qua được hết. Thực ra, những rắc rối, khó khăn trong cuộc sống phần lớn đều do không thuận mà ra. Nhiều tiền hay ít tiền không quyết định nhiều đến cảm xúc hạnh phúc hay bất hạnh của ta, mà chỉ do vợ và chồng ứng xử với nhau như thế nào trước những vấn đề đó.

 

Không chỉ giúp người khác thêm sức mạnh, mà khi bạn chạm vào ai đó một cách ân cần, chính cơ thể bạn cũng có nhiều thay đổi: mức độ hormone căng thẳng giảm, hệ thần kinh thư thái, khả năng miễn dịch mạnh hơn và trạng thái cảm xúc cũng cải thiện. Khi không được ôm ấp, vỗ về, con người dễ bị các bệnh về tinh thần và thể chất. Đó cũng là lý do những người không lập gia đình có sức khỏe và tuổi thọ kém hơn những người có gia đình.

Đặc biệt, nụ cười là một ngôn ngữ không lời tuyệt vời nhất. Trong bộ phim “Cô bé may mắn”, có một câu nói lặp đi lặp lại “Luôn luôn mỉm cười, may mắn tự nhiên đến”. Bạn có tin không? Tôi thì tin, vì tôi biết nụ cười trao cho ai đó là ta đang trao sự tôn trọng, sự yêu thương, sự quan tâm… của ta dành cho người đó. Khi ta cười thì chính ta cũng thêm hạnh phúc. Biết mỉm cười cũng là một trong 9 nguyên tắc vàng của nghệ thuật Đắc nhân tâm (Dale Carnegie). Hãy luôn mỉm cười với vợ/chồng khi cô ấy/anh ấy cau có. Cười cầu hòa, cười biết lỗi… rất có lợi trong trường hợp ai đó đang giận mình. Phụ nữ mỉm cười càng trở nên dễ thương hơn. Tôi thấy không có một loại mỹ phẩm nào làm phụ nữ đẹp hơn khi họ cười.

Ngôn ngữ không lời còn rất nhiều những biểu hiện khác, rất phong phú đa dạng. Song chúng ta cũng cần tránh những ngôn ngữ không lời tiêu cực như cái nhìn vô cảm, trách móc, gương mặt cau có, nụ cười mỉa mai, hành động đá thúng đụng nia… Càng tăng cơ hội giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ không lời tích cực thì càng làm tăng thêm tình cảm gắn bó giữa ta với những người xung quanh.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

Có thể bạn quan tâm