Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng có 4 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương (T.Ư), ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Đã có nhiều bài học nhãn tiền về công tác cán bộ. Trong đó, có những người không dự kiến vào T.Ư, thậm chí cấp cao hơn nhưng rồi lại vào được. Cho nên đến bây giờ T.Ư vẫn phải tiếp tục giải quyết. Do đó, đã nêu gương thì những người trong vị trí cấp chiến lược hiện nay trước hết phải thực sự nêu gương trong việc giới thiệu nhân sự.

Ông Vũ Trọng Kim
Ông Vũ Trọng Kim



Ông Vũ Trọng Kim nói: Để xây dựng BCH T.Ư khóa XIII, Đảng đã đưa ra quy trình 5 bước. 5 bước này nếu thực hiện đầy đủ, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ đưa ra sản phẩm tốt, đạt yêu cầu. Tinh thần là làm sao không bỏ sót người tài, người có khả năng cống hiến cho đảng, cho nhân dân. Nhưng bên cạnh đó cũng không để lọt những đối tượng thiếu bản lĩnh chính trị, thậm chí mắc phải tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là thoái hóa, biến chất “chui” vào T.Ư. Hai vấn đề này là rất quan trọng, cấp thiết và mang ý nghĩa quyết định đến đường lối, chủ trương, chính sách và cả sự phát triển của Đảng, của dân tộc trong nhiệm kỳ tới.

Tránh “đúng quy trình nhưng không đúng người”

Nhưng câu hỏi đặt ra ai là người không xứng đáng và ai là người đáp ứng được các tiêu chuẩn đó để chọn lựa?

 

"Có thể từ đầu anh không xấu vì nếu xấu thì làm sao vào được BCH T.Ư. Nhưng khi vào rồi lại không tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến sa ngã, suy thoái. Cho nên nhân sự được giới thiệu quy hoạch vào BCH T.Ư phải gạt qua được các lợi ích, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới làm nên sự nghiệp lớn”. Đã là cán bộ BCH T.Ư phải lo cho sự nghiệp lớn của Đảng chứ không phải chỉ “chăm chăm” lo cho sự nghiệp của gia đình, dòng họ"-ông Vũ Trọng Kim

Nói là người có bản lĩnh đạo đức, năng lực thì đôi khi vẫn cứ là chung chung. Người tham gia vào BCH T.Ư phải là người có tố chất riêng, có năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý và phải có khát vọng, hoài bão đổi mới. Đó phải là những con người luôn vì nước vì dân, có tinh thần xả thân, cống hiến, sẵn sàng quên mình để toàn tâm toàn ý cống hiến cho đất nước. Những nhân sự đó phải vượt lên chính mình, nhìn ra là thấy dân tộc, thấy xã hội, chứ không phải nhìn ra chỉ thấy bản thân, gia đình, lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”. Cái hoài bão, khát khao, đổi mới của cán bộ cấp chiến lược phải là ở điểm đó.

Điều quan trọng nữa là, cán bộ cấp chiến lược phải kinh qua và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp dưới. Còn tất nhiên BCH T.Ư có những tiêu chí, tiêu chuẩn mà T.Ư đã quy định, cũng như Ủy viên T.Ư dự khuyết cũng đã có tiêu chuẩn. Tuy nhiên phải lựa chọn nhân sự là những người trẻ tuổi và những người đó phải chứng tỏ qua thực tiễn có năng lực thực sự. Họ phải có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý. Trong con người đó phải có tiềm năng phát triển về lãnh đạo quản lý. Những người này cũng phải trong quy hoạch chức danh chủ chốt ở các tỉnh, thành ủy, bộ ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội.

Tiêu chuẩn, tiêu chí thì quy định của Đảng đã đầy đủ và rất chặt chẽ, nhưng làm sao tránh được tình trạng “đúng quy trình nhưng không đúng người”?

Như tôi đã nói ở trên, nếu thực hiện quy trình 5 bước một cách thận trọng, dân chủ, không có nể nang thì sẽ có kết quả theo mong muốn. Tại cuộc họp mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm, khách quan và tuyệt đối không được thiên vị.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong những thời kỳ đã qua, từng vị trí cán bộ cấp Ủy viên T.Ư mà không làm tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc của Đảng, Nhà nước, sinh ra “lợi ích nhóm” hoặc, bị “lợi ích nhóm” tác động, chi phối. Có thể từ đầu anh không xấu vì nếu xấu thì làm sao vào được BCH T.Ư. Nhưng khi vào rồi lại không tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến sa ngã, suy thoái. Cho nên nhân sự được giới thiệu quy hoạch vào BCH T.Ư phải gạt qua được các lợi ích, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới làm nên sự nghiệp lớn”. Đã là cán bộ BCH T.Ư phải lo cho sự nghiệp lớn của Đảng chứ không phải chỉ “chăm chăm” lo cho sự nghiệp của gia đình, dòng họ.

Nêu gương trong giới thiệu nhân sự

Vậy theo ông cần lưu ý gì trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH T.Ư lần này?

Có hai điểm mà tôi cho là quan trọng nhất là dân chủ trong quá trình lựa chọn và công tâm, khách quan. Từ kinh nghiệm qua tham gia 4 khóa T.Ư tôi cho rằng hai vấn đề trên là quan trọng nhất.

Về dân chủ thì chúng ta đã làm dân chủ trong nội bộ. Tức là quy định những người nào được giới thiệu và bỏ phiếu kín, được thảo luận về nhân sự. Trong nội bộ ngành, địa phương cũng được tham gia. Nhưng ở đó đã thực sự dân chủ chưa hay còn nể thủ trưởng, sợ uy tín của địa phương, của ngành mình để rồi không dám nói hết. Những người trong nội bộ của mình có sợ chiếc ghế của bản thân lung lay sau khi mình nói thẳng, nói thật không? Dân chủ trong nội bộ này là điểm cần phải hết sức lưu ý. Rồi sự né tránh, nể nang thường xảy ra trong thời gian trước đây ở nội bộ và việc phát hiện thường do bên ngoài cả. Nội bộ không phải không biết nhưng vì tư tưởng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Vì thế phải làm công tác tư tưởng, quy định trách nhiệm của những người tham gia trong việc đề cử quy hoạch, bỏ phiếu quy hoạch, thực hiện nghiêm quy định về nêu gương.

Cái thứ hai cần lưu ý là có cách nào để nhân dân tham gia không? Nhân dân ở đây là thông qua những người đại diện, từ các tổ chức chính trị, xã hội không? Những người đại diện của nhân dân, thông qua tổ chức họ có thể tham gia một góc độ nào đó vào công tác nhân sự. Tôi nghĩ ít nhiều những tiếng nói đó sẽ thể hiện sự trung thực. Bởi họ không có quyền lợi, không gắn bó với đồng lương, lợi ích, đây là tiếng nói đầy đủ, trung thực, trong sáng. Vậy dân chủ đó cũng nên mở ra ở một mức độ nhất định. Dân chủ bên trong, dân chủ bên ngoài… Có thế mới không để sót những người tài và để lọt những người không xứng đáng tạo ê kíp, bè phái.

Từng có 4 nhiệm kỳ là Ủy viên T.Ư, ông có lo ngại tình trạng chạy chức, chạy quyền tác động đến những lá phiếu quy hoạch nhân sự không?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra yêu cầu là công tâm, khách quan, không thiên vị. Trong từng bước thực hiện quy trình phải đề phòng vì không phải tất cả mọi nơi, mọi tổ chức đều thực hiện tốt. Bởi vì cũng có nơi chủ quan, chỉ thấy mặt tốt nhân sự nhưng không hề gần gũi để được chỉ dẫn ra các điểm yếu. Nếu công tâm thì có lợi cho đảng, cho dân. Nhưng thực tế có tình trạng tìm cách để tốt cho thủ trưởng, tốt cho nhân sự mình giới thiệu. Như thế là lái lợi ích về phía cá nhân đẩy thiệt hại về phía nhân dân.

Bên cạnh đó, từng bước quy trình phải có cách làm để thể hiện sự không thiên vị. Cái này chúng ta đã từng có những bài học nhãn tiền. Có những người không dự kiến vào T.Ư nhưng rồi lại vào được. Cho nên bây giờ vẫn còn tồn tại mà chúng ta phải tiếp tục giải quyết trong bộ máy cấp chiến lược hiện nay. Nếu như hiện nay không làm tốt thì đừng nói là sẽ có tương lai huy hoàng. Đã nêu gương thì những người trong vị trí cấp chiến lược hiện nay phải thực sự nêu gương trong việc giới thiệu nhân sự.

Còn những người ở trong quy trình đề bạt thì sao? Thì việc chống chạy chức, chạy quy hoạch là rất quan trọng. Phải chỉ ra được ai là chạy chức, ai là chạy quy hoạch. Những phần tử cơ hội là ai mà lại leo cao, chui sâu. Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải tham gia vào quá trình này.

Xin cảm ơn ông!

Văn Kiên (Thực hiện)
Theo TPO



 

Có thể bạn quan tâm