Kinh tế

Giống lúa mới TBR-1 đạt năng suất trung bình khoảng 80 tạ/ha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 30-3, tại nhà văn hóa xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tiến hành hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lúa tại 4 xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã thực hiện dự án tại 4 xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi trên diện tích 450 ha với 1.116 hộ tham gia. Giống lúa TBR-1 đưa vào gieo sạ do Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cung ứng. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 9 tỷ đồng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống lúa (riêng xã Chư Mố, Ia Tul được hỗ trợ 70%), được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, tham gia hội thảo tổng kết mô hình.

Các hộ dân cùng tham gia hội thảo đầu bờ tại cánh đồng xã Chư Mố. Ảnh: Vũ Chi

Các hộ dân cùng tham gia hội thảo đầu bờ tại cánh đồng xã Chư Mố. Ảnh: Vũ Chi

Tại buổi tổng kết, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các bên liên quan và đông đảo hộ dân đã tham gia hội thảo đầu bờ tại cánh đồng xã Chư Mố để đánh giá hiệu quả dự án. Kết quả cho thấy, sau hơn 3 tháng triển khai, giống lúa TBR-1 sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Ia Pa. Ưu điểm giống lúa này là cứng cây, chống đổ tốt, trổ bông tập trung, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh bạc lá. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, bà con tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sâu bệnh hại nên năng suất trung bình đạt khoảng 80 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chênh lệch với các giống lúa truyền thống tại địa phương từ 8-9 triệu đồng/ha.

Dự án giúp người dân thay đổi nhận thức về việc chọn giống lúa mới chất lượng cao thay thế các giống lúa chất lượng thấp ở địa phương, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa; đồng thời tạo ra sản phẩm gạo sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm