Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Giữ giá trị cho từng lá phiếu tín nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều địa phương đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, thể hiện thước đo đánh giá của nhân dân đối với cán bộ.
Lá phiếu tín nhiệm - tấm gương phản ánh hiệu quả công việc
Nhìn vào kết quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại các kỳ họp HĐND diễn ra trong tháng 12 này, có thể thấy, các lá phiếu tín nhiệm phần nào đã phản ánh được thực tế hoạt động của từng ngành tại địa phương, cũng như trước đó đã từng thể hiện được phần nào những đánh giá về kết quả công tác của từng bộ, ngành trên cả nước.
Các đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái bỏ phiếu tín nhiệm.
Các đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái bỏ phiếu tín nhiệm.
Trong đó, những ngành mà hoạt động liên quan đến đời sống dân sinh, an ninh trật tự sẽ được đánh giá khắt khe hơn. Do đó, các cơ quan như Sở GTVT, Sở Thông tin truyền thông, Sở Giáo dục, Sở Công an... với mức phiếu tín nhiệm thấp đạt 25% - 30%. Cá biệt, Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre, có tới 51%, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có 54,93% số phiếu tín nhiệm thấp...
Đánh giá về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bầu ra, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 ra Quy định 262/QĐ-TW Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một bước tiến rất quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng Nhà nước ta.
Sau bỏ phiếu, chúng ta thấy những cán bộ có tín nhiệm thấp đã nỗ lực phấn đấu để từng bước khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm. Nhân dân cũng thực sự quan tâm, có ý kiến đóng góp để cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp khi bỏ phiếu tín nhiệm sẽ có ý thức trách nhiệm, quan tâm, theo dõi, đánh giá quá trình phấn đấu, rèn luyện của các cán bộ.
Tuy nhiên, PGS.TS Đào Duy Quát cũng bày tỏ băn khoăn trước những thông tin cho rằng, đã có tình trạng “chạy phiếu tín nhiệm” và cho rằng điều này thể hiện sự đối phó, không trung thực, từ chạy bằng cấp, chạy tuổi đến chạy phiếu tín nhiệm thì chạy chức và cuối cùng là chạy tội không phải là không thể xảy ra.
Cùng quan điểm đó, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng: Chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện có tính chất công khai minh bạch và mỗi Nhà nước lành mạnh phải thực hiện được điều đó. Đấy là hoạt động cần thiết xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, trước tình trạng một số cán bộ đạt số phiếu tín nhiệm thấp lên tới trên 50%, các chuyên gia và dư luận không khỏi băn khoăn: cần ứng xử với những trường hợp này như thế nào?
Với những trường hợp 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm đều đạt số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao thì nên có cách xử lý như thế nào? Điều 11 Quy định 262/QĐ-TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nêu rõ: “Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. 
Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. Quy định là như vậy, nhưng cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý.
Tăng sức nặng cho lá phiếu tín nhiệm
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh tại Quốc hội, Trung ương, Hội đồng nhân dân và các cấp ủy địa phương nên làm hằng năm, chứ không phải chỉ giữa nhiệm kỳ.
Có ý kiến cho rằng nếu làm nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại của cán bộ. TS. Vũ Ngọc Hoàng cho rằng lo lắng này là không cần thiết: “Người được đánh giá coi đó như chuyện “soi gương”, nếu để lâu quá mới soi thì biết đâu mà chỉnh sửa. Nếu mỗi nhiệm kỳ có một lần thì ít có hoặc không còn cơ hội để hoàn thiện, sửa mình. Nếu làm tốt, khách quan, có đủ thông tin minh bạch thì kết quả bỏ phiếu sẽ có nhiều ý nghĩa. Ngăn chặn việc có người “chạy”, vận động bỏ phiếu cho họ với động cơ không trong sáng, lành mạnh. Dư luận đã nói đến các trường hợp này. Phiếu tín nhiệm nên thiết kế 2 cột thôi, tín nhiệm và không tín nhiệm là đủ rồi. Đừng sợ cán bộ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu sợ vậy thì bỏ phiếu để làm gì”.
Cũng theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá công tác cán bộ, đánh giá từng cán bộ, bản thân việc ấy cũng là một khâu của công tác cán bộ, tham gia lựa chọn, điều chỉnh việc phân công công tác cho cán bộ. Tất nhiên đây mới là một kênh thông tin, chưa phải đã hoàn toàn đầy đủ, nhưng cũng tốt hơn nhiều so với không có thông tin đó.
Khi không được tín nhiệm, có thể vài lần liên tiếp nếu bỏ phiếu hằng năm, thì tốt nhất là cán bộ đó nên từ chức, đó là cách ứng xử có văn hóa, có tự trọng, và có thể từ việc từ chức đó mà người cán bộ ấy không mất uy tín, lại trưởng thành sau đó. 
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Cụ thể: Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội. Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn. Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp.
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Đồng quan điểm này, TS. Đào Duy Quát bổ sung: nên thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình. Tự phê bình ở đây chính là bản kiểm điểm cá nhân mà người cán bộ báo cáo lên Quốc hội hoặc HĐND các cấp, nhưng trước khi bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội, HĐND các cấp cũng phải tranh luận, chất vấn, thảo luận, phải phê bình, qua đó giúp từng đại biểu có nhận thức sâu sắc để bỏ phiếu tín nhiệm.
Khi có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thì phải công bố ngay, những đồng chí trên 50% tín nhiệm thấp thì đưa ra ngay khỏi quy hoạch, nếu 2/3 tín nhiệm thấp thì dứt khoát phải từ chức hoặc phải chuyển ngay không cho giữ những cương vị như thế nữa. 
Theo ông Vũ Quốc Hùng, cùng với hoạt động giám sát thông qua bỏ phiếu tín nhiệm cần được tiến hành thường xuyên, khoa học khách quan không cảm tính để đánh giá cán bộ chuẩn xác thì còn cần phát huy văn hóa từ chức. 
Việc lấy phiếu tín nhiệm người cán bộ có thể nhìn nhận bản thân mình. Một người có trách nhiệm và có lòng tự trọng thì thường xuyên tự xem xét lại những việc làm của mình hàng ngày, những công việc mà mình giải quyết hàng ngày, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cán bộ cấp dưới.
Cho nên nếu thấy mình không xứng đáng (về phẩm chất đạo đức hoặc năng lực không đảm đương được) nên từ chức. Từ chức thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm. Những người không xứng đáng mà không tự rút lui thì lúc đó tổ chức sẽ vào cuộc và dẫn tới phải cách chức.
Tổ chức Đảng các cấp cần biểu dương những người từ chức vì lòng tự trọng, phê phán những người từ chức vì trốn tránh trách nhiệm, thậm chí từ chức để khỏi bị kỷ luật.
Nhóm phóng viên/Báo TNVN

Có thể bạn quan tâm