Kinh tế

Giữ nghề in lụa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, trên nhiều lĩnh vực, máy móc hiện đại dần thay thế sức lao động con người. Song, với ngành In lại khác, in lụa bằng hình thức thủ công vẫn luôn dành được một chỗ đứng nhất định...

In lụa là một trong những kỹ thuật in ấn bằng tay, có thể in được trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy, vải, thủy tinh, ni-lông... Từ in thiệp, in name card, đến cờ lưu niệm, áo, băng rôn, cho tới bình ly, chén dĩa, gỗ, đá... Trong khi đó, in máy kén chất liệu hơn và không thể in với số lượng ít. Chính vì vậy, in lụa luôn có một vị trí không thể xê dịch. Một phần người ta vẫn chọn in lụa là bởi chất lượng có sự khác biệt giữa máy móc và thủ công, thông qua độ bền màu, đường nét sắc sảo của hình ảnh in.

 

Ảnh: Thảo Nguyên
Ảnh: Thảo Nguyên

In thủ công có cái hay so với in máy là dù trên chất liệu gì, hình khối ra sao cũng in được. Đầu tiên người thợ phải lên ma-két trên vi tính, sau đó in phim bằng chất liệu giấy can, tiếp đến chụp qua khung lụa bằng tơ tằm, cuối cùng mới in lên chất liệu và chờ khô, lúc đó mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Công đoạn thì nhiều nhưng để có một sản phẩm đẹp đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từ việc xuất phim, lần lượt tách màu sao cho không bị lem vì thao tác này tốn nhiều thời gian bởi phải ra nhiều khung. Rồi in trên nhiều chất liệu phải cần nhiều kỹ thuật khác nhau, mà nếu không luyện sẽ khó mà cho ra sản phẩm ưng ý. Vật càng nhỏ in càng khó.

Các cơ sở đều quảng cáo in đa dạng trên mọi chất liệu, nhưng thực chất hầu như không có cơ sở nào thực hiện được đa năng, mà mỗi một nơi lại chỉ chuyên về một “món”. Ví dụ ở Pleiku có các cơ sở như: Vy Thảo (đường Võ Thị Sáu), Nam (đường Phan Bội Châu), Cường (đường Trần Cao Vân) chuyên in thiệp cưới; hay bao bì có Chí Thành (đường Cách Mạng Tháng Tám); rồi in ly tách, chén dĩa có Vinh (đường Lý Thái Tổ)...

 

Chị Lê Thị Mai Điệp: Trải qua biết bao lâu rồi mà in lụa vẫn có chỗ đứng vững vàng trong ngành in ấn, nên tôi nghĩ nghề này sẽ không bị mai một, bởi ở thời kỳ nào người ta cũng sử dụng phương tiện in ấn để phục vụ nhu cầu quảng cáo. Có thể trong tương lai, một số cái sẽ chuyển qua in bằng máy, mà đã là máy phải in số lượng nhiều. Khi cần số lượng ít người ta lại nghĩ đến in tay. Thế nhưng, làm nghề gì muốn vững mạnh đòi hỏi vốn liếng nhiều. Vốn là để đầu tư một số trang-thiết bị máy móc như giàn sấy khô, máy ép, giàn vỉ phơi... để giảm được công sức lao động.

Ở Gia Lai số cơ sở in lụa còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng nghề này đến giờ vẫn lưu truyền được cho không ít thế hệ thợ in trẻ. Em Nghĩa, năm nay mới 19 tuổi, nhưng đã có thời gian học và làm 6 năm rồi. Hiện em đang làm thợ cho cơ sở in Chí Thành. “Mỗi thầy có một bí quyết in riêng, bọn em học hoài học mãi không hết. Thầy cũng chỉ về cách in trên một số chất liệu khác nhau, khó nhất là in trên gỗ. Nhưng hiện em chỉ làm công đoạn kéo lụa thôi, khi nào lên tay mới được đảm trách thêm ở các khâu khác”-Nghĩa nói.

Gắn bó với nghề gần 20 năm nay, chị Lê Thị Mai Điệp-Chủ cơ sở in Vinh (375 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) tâm sự: “Cái nghề in lụa có từ thời xa xưa chẳng biết từ khi nào, chỉ nghe thầy tôi truyền lại là nó bắt nguồn từ Trung Quốc và cho tới ngày nay nước này vẫn đang rất thịnh hành. Ở Việt Nam cũng vậy, dù máy móc có thay thế sức lao động của người làm nghề, nhưng rồi vẫn có nhiều người theo học cách in thủ công. Vợ chồng tôi xuất phát cũng từ học in lụa và thành công với nghề này. Dù không có cơ sở to rộng, nhưng tôi vẫn có một lượng khách hàng ổn định. Mình có tâm huyết, in ấn cái gì cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ từ hình thức đến chất lượng, làm cho khách hàng tin tưởng và hài lòng”.

Không chỉ nhận in cho khách, mà chồng chị là anh Vinh cũng đã đào tạo không biết bao nhiêu lớp thợ in lụa ra nghề và có người đã trở thành “tay in” giỏi. Chị nói: Dạy người ta mà vẫn phải tự mình tìm tòi những cái mới trong nghề để học đấy. Nghề này vừa làm phải vừa tiếp thu cái mới. Làm thạo rồi mình phải học cách làm sao cho nhanh, cho đẹp, đẹp rồi phải làm sao sáng kiến in trên chất liệu mới, hình khối mới.

Hiện nay, rất nhiều cơ sở in ấn hiện đại ra đời, người ta cũng chuyển qua in bằng máy một số chất liệu. Vừa là nhanh chóng, không tốn nhiều công sức, giá thành lại rẻ hơn in thủ công. Không ít thợ in lụa cũng băn khoăn trước những biến động nghề nghiệp, thế rồi họ tin bằng sự tinh xảo, thẩm mỹ từ phương thức thủ công, nghề in lụa sẽ vẫn giữ được đất sống...

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm