Nhiều ngày sống giữa rừng Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk), PV Thanh Niên mang đến cho bạn đọc những hình ảnh sống động nhất về “cuộc chiến” giữ rừng và đời sống của bà con dân tộc nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Với chiếc rìu vác vai, anh Nguyễn Văn Phố tuần tra Vườn quốc gia Yok Đôn |
Giữ rừng là “cuộc chiến” chưa hồi kết. Với diện tích hơn 115.000 ha, Vườn quốc gia Yok Đôn với nhiều loại gỗ quý cùng nai, thỏ, heo rừng, voi sinh sống là điểm nóng mà lực lượng giữ rừng phải gồng mình bảo vệ.
Băng rừng lội suối
Cơm nước xong xuôi, anh Nguyễn Văn Phố (35 tuổi, quê Bình Định) lấy chai nước, vác rìu lên vai lên đường tuần tra rừng cùng bốn chú chó. “Tui đi một mình kiểm tra, tìm dấu vết. Gọi thêm đồng đội tương trợ nếu thấy đối tượng phá rừng. Dắt thêm chó để nó ngửi mùi, có rắn hay thú dữ mình còn biết mà né”, anh Phố cho hay.
Đang hùng hục trèo lên con dốc, bỗng đàn chó vây quanh đám cỏ tranh gầm gừ, thủ thế định tấn công. Thì ra là con rắn màu nâu to bằng ngón tay trỏ đang thè lưỡi, ngóc đầu. Anh Phố cho hay đây là loài rắn chuyên phục trên cành cây săn chim, nọc ít độc nên không cần lo lắng.
Mò mẫm hơn 1 giờ, mồ hôi ai nấy như tắm, anh Phố ra hiệu dừng chân nghỉ ngơi. Việc đầu tiên của anh là lấy nước cho... chó uống. Con nào con nấy há họng, thở khè khè. “Tui được giao canh giữ hơn 1.000 ha rừng. Hằng ngày tui đi rừng mấy chục cây số kiểm tra. Quý cỡ gỗ giáng hương bị cưa trộm, tui sẽ bị kỷ luật. Nghề này thấy vậy chứ áp lực lắm”, anh Phố thở từng hơi nặng nề rồi trút ồng ộc chai nước vào miệng.
Lội qua con suối, phát hiện một khoảng đất bị đào bới, anh Phố chỉ tay nói đây là dấu vết của heo rừng. Mải trò chuyện thì bất ngờ đàn chó phóng vùn vụt đuổi theo tiếng “éc, éc” của heo rừng. Anh Phố vừa chạy theo, vừa la to để tôi biết hướng bám sát. “Chó thấy con gì cũng... dí hết chứ có bắt được heo rừng đâu. Mình chạy theo chứ để nó đuổi xa quá, lạc mất thì tội nghiệp đàn chó”, anh Phố nói.
Một chiều khác, anh Y’Khương (36 tuổi, dân tộc Ê đê) đi dọc sông Sêrêpốk tuần tra. Thuyền máy chạy chừng 500 m thì có tiếng giống máy cưa vọng ra từ một khoảnh rừng. Neo thuyền, chúng tôi tức tốc chạy tới vị trí nghi có người cưa cây. Đang chạy, anh Khương bỗng chúi nhủi vì vấp dây thép gai. Bật dậy lập tức, anh vừa chạy vừa nói phải nhanh chân chứ để đối tượng lấy được gỗ anh sẽ “có chuyện”.
Sau mười mấy phút chạy không biết “trời trăng mây gió” là gì, cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi. Trước mắt là cảnh vợ chồng Ma Rino (30 tuổi, nhà ở Buôn Đôn) đang sử dụng máy... cắt cỏ. Y’Khương thở phào rồi tiến lại trò chuyện cùng họ. Anh cho biết, “lâm tặc” hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh khu rừng. Ai cũng nghèo khổ nên cả phụ nữ, đám trẻ choai choai... cũng trộm gỗ rồi đem bán cho các đầu nậu người Kinh từ nơi khác đến.
Anh Y’Khương tròng vội chiếc áo, tức tốc tới khu vực nghi có người cưa trộm gỗ |
“Cú đêm” giữa rừng
Các chốt của kiểm lâm nằm sâu trong rừng, việc đi lại khó khăn nên thức ăn chủ yếu kiếm được trong những chuyến tuần tra. Mùa này, họ hái thêm nắm hoa nghệ rừng, rau địa liên... về luộc chấm mắm nêm. Đêm ngủ rừng gặp trời mưa, họ bắt ếch, vớt cá dưới suối để cải thiện bữa ăn. “Anh em đều nuôi thêm heo, gà ở các chốt. Hầu hết các chốt không có sóng điện thoại, đường sá xa xôi nên nhiều thứ phải tự cung tự cấp”, anh Phố cho biết.
Khuya, tôi cùng anh Phan Huy Quý (38 tuổi) và anh Võ Văn Nguyên (30 tuổi, cùng quê Nghệ An) vào rừng. Đây là công việc thường ngày của lực lượng kiểm lâm. Hành trang là chiếc đèn pin tròng lên trán và chiếc ba lô đựng võng, nước uống.
Đàn chó được tiếp nước uống để tiếp tục đi tuần tra rừng |
Đi chừng 5 km, nhóm chúng tôi tắt đèn xe máy rồi tiếp tục “xé rừng”, vào sâu bên trong. Thỉnh thoảng, vấp trúng rễ cây cả xe lẫn người tưng lên cao. Xe dừng lại, anh Quý thì thầm nói cả nhóm tìm vị trí cột võng, giăng mùng nhưng cố gắng giữ im lặng rồi dặn: “Nếu phát hiện dấu hiệu người cưa cây, cả nhóm phải tắt hết đèn pin và... chạy bộ tới đó bắt quả tang. Mở đèn đối tượng sẽ phát hiện ngay. Trời tối mịt nên vấp té là chuyện thường, chỉ sợ giẫm trúng rắn độc anh em mới khổ”.
Quá 12 giờ đêm, trời bỗng đổ mưa khiến mọi người đang nằm lật đật dậy, “tăng võng” để trú mưa. Anh Quý cho biết, lâm tặc cũng chọn ngày mưa gió để ra tay nên vào mùa mưa chuyện đem gạo, mùng mền vào rừng ở cả tuần diễn ra thường xuyên. “Rừng rộng bao la nên bảo vệ từng gốc cây không đơn giản. Giờ họ toàn dùng cưa tay, vì thế khó phát hiện hơn nhiều”, anh chia sẻ.
Anh Võ Văn Nguyên ngủ trong rừng để kịp thời phát hiện lâm tặc |
Hơn 4 giờ sáng, chim đủ loại đa đa, nhồng, cắt, chèo bẻo đã hót râm ran khắp rừng. Thấy tôi đã dậy, anh Quý cười: “Ngủ rừng không quen hả?”. Tôi gật đầu. Anh tiếp tục: “Tụi tui quen rồi nhưng nhiều khi cũng sợ. Trời tối đen mà gặp tiếng động lạ là nghĩ lung tung. Có đêm đang thiu thiu, voi rừng về làm cả nhóm bỏ của chạy lấy người, tìm cách thoát thân”.
Dư âm chuyện Phượng “râu” Những ngày này, câu chuyện về Phượng “râu” vận chuyển gỗ lậu ở H.Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), có sự tiếp tay của cán bộ giữ rừng được mọi người bàn tán xôn xao. Ông Nguyễn Hữu Tạo (Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn) cho biết lãnh đạo Hạt rất quan tâm vấn đề này. “Để hạn chế trường hợp cán bộ kiểm lâm vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi quy định khi tuần tra, kiểm lâm viên phải bật thiết bị định vị GPS. Nếu cây bị chặt hạ ở gần vị trí đó thì chúng tôi có cơ sở xử lý. Ngoài ra, rừng được giao cho từng cán bộ canh giữ, cây bị cưa trộm tùy số lượng cán bộ sẽ bị kỷ luật nội bộ, hoặc nghiêm trọng sẽ chuyển cơ quan công an điều tra”, ông Tạo nói. |
Trác Rin (thanhnien)