(GLO)- Công an huyện Chư Pah, Gia Lai thường xuyên tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc nhằm động viên, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù vượt qua mặc cảm, chăm lo lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chúng tôi đến nhà khi anh Chu Văn Minh (32 tuổi, thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) đang tất bật chăm sóc 5 sào chanh dây trĩu quả. Minh bảo, đây là vườn chanh của anh và người anh trai cùng vay vốn ngân hàng đầu tư trồng. Ngoài ra, 2 anh em còn có hơn 1 ha cà phê kinh doanh.
Nhìn Minh cần mẫn lao động, ít ai biết rằng, anh từng có một quá khứ lầm lỗi. Chuyện là cuối tháng 4-2006, trong một lần đi làm công tại xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), Minh và bạn bè uống rượu rồi xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau với một nhóm thanh niên khác khiến 1 người tử vong. Sau khi gây án, Minh đến Công an xã Hà Đông đầu thú. Sau đó, Minh bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 15 năm tù. Trong quá trình chấp hành án phạt tù, được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, giúp đỡ, Minh dần nhận ra lỗi lầm, chăm lo cải tạo tốt. Sau 2 lần được xét giảm án, năm 2015, Minh được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Chu Văn Minh (bìa trái) đã tu chí làm ăn và có thu nhập ổn định từ vườn chanh dây, cà phê. Ảnh: H.T |
Anh Minh chia sẻ: “Sau khi ra tù, tôi luôn được gia đình quan tâm, chia sẻ; bà con lối xóm đến thăm hỏi, động viên. Công an huyện Chư Pah và chính quyền địa phương các cấp cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Vì thế, tôi cảm thấy vơi bớt mặc cảm, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Sau vài năm bắt tay vào sản xuất, đến nay, tôi có thu nhập khá ổn định từ vườn chanh dây, cà phê”.
Anh Rơ Chăm Kvít (32 tuổi, làng Doch 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) cũng là một trường hợp lầm lỗi được động viên, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Kvít kể: “Giữa năm 2015, do mâu thuẫn với một người trong làng, sau khi uống rượu, tôi cùng một số người đã bàn nhau đi trả thù. Tôi đã đổ xăng đốt nhà người ta. Gây án xong, tôi bị cơ quan Công an bắt giữ rồi bị Tòa án nhân dân huyện Chư Pah xử phạt 30 tháng tù. Ngoài ra, tôi phải khắc phục hậu quả cho phía bị hại. Vì thiếu hiểu biết pháp luật, tôi đã phạm tội, có lỗi với gia đình, buôn làng. Giờ tôi quyết tâm lao động để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho vợ con”.
Cuối năm 2018, sau khi chấp hành xong án phạt tù, Kvít trở về địa phương. Thời gian sau đó, Công an huyện và chính quyền địa phương thường đến thăm hỏi, động viên giúp anh sớm hòa nhập với cộng đồng. Vượt qua mặc cảm, anh bắt tay vào phát triển kinh tế, trồng mới 600 cây cà phê, 6 sào mì, chăm sóc hơn 1 ha bời lời, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm.
Trung tá Ksor Huy-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pah-cho biết: “Chúng tôi xác định công tác động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Vì vậy, thời gian qua, Công an huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, các trường hợp tái phạm tội đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Đặc biệt, một số người đã tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu”. Cũng theo Trung tá Huy, hàng năm, Công an huyện còn chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tổ chức gặp gỡ, động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Được biết, hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, UBND huyện Chư Pah đều tổ chức gặp mặt những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Tại các buổi gặp mặt, lãnh đạo huyện đã ghi nhận ý kiến, động viên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-chia sẻ: Hầu hết người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống ở địa phương đều gặp nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Vì thế, sự động viên kịp thời của người thân, gia đình và chính quyền cơ sở là rất quan trọng, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm tội. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã tổ chức các buổi gặp gỡ với mong muốn lắng nghe ý kiến của họ để tháo gỡ những vướng mắc. Việc động viên tư tưởng, tinh thần đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vẫn cần được giúp đỡ. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác này. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục rà soát, xem xét tạo điều kiện để giúp họ vay vốn phục vụ sản xuất, ổn định cuộc sống.
HỮU TRƯỜNG