(GLO)- Vì một phút bồng bột, cạn nghĩ hay vì chỉ bởi những chấp niệm vụn vặt, họ đã phải trả giá bằng những ngày tháng lao tù. Để rồi khi chấp hành xong án phạt trở về, đối mặt với xóm làng, đa số họ lại cảm thấy ái ngại. Trước thực trạng ấy, thời gian qua, huyện Kông Chro đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp những người từng lầm lỡ có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Vượt qua mặc cảm
“Trong đời người không ai tránh khỏi sai lầm nhưng nếu biết đứng dậy và cố gắng vươn lên thì không bao giờ là quá muộn”-ông Nguyễn Văn Hùng (tổ dân phố 4, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) đã rút ra cho bản thân một quan điểm sống như vậy kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù trở lại địa phương cư trú. Trước đó, ngày 15-1-2015, ông Hùng bị bắt và nhận hình phạt 2,5 năm tù giam vì tội tham ô tài sản. Vướng vào vòng lao lý, ông Hùng bắt đầu cảm thấy giày vò, hối hận bởi những hành vi sai trái của mình nên lúc nào cũng cố gắng cải tạo thật tốt để sớm quay về với gia đình. Tháng 12-2016, ông ra tù trước thời hạn 8 tháng, song thay vì vui mừng thì suy nghĩ bản thân mình từng là một kẻ phạm tội lại khiến ông mặc cảm, tự ti khi đối diện với người khác.
Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ về quá trình tái hòa nhập cộng đồng của mình. Ảnh: Hồng Thi |
Thấu hiểu được điều đó, gia đình, bạn bè cùng với chính quyền địa phương đã không ngừng động viên, hỗ trợ để giúp ông nhanh chóng vượt qua mặc cảm. Ông Hùng chia sẻ: “Khi ổn định tâm lý rồi, tôi bắt đầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện với số tiền 380 triệu đồng để mua xe chở mía cũng như đầu tư trồng 9 ha mía. Nhờ trời thương, niên vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch trên 300 triệu đồng, tôi cảm thấy phấn khởi lắm”.
Còn với Đinh Drênh (SN 1990, trú tại làng Tnang-xã Yang Trung-huyện Kông Chro), đến tận bây giờ, anh vẫn nhớ rõ cái đêm “định mệnh” vào tháng 12-2014. Chỉ vì sự hiếu thắng, bốc đồng của thanh niên khi có men rượu trong người, Drênh cùng nhóm bạn của mình đã gây gỗ, đánh nhau với nhóm thanh niên làng khác, khiến 1 người trong số đó bị thương tích 26%. Để trả giá cho hành vi ấy, Drênh đã phải lãnh án 2 năm 6 tháng tù giam. “Chỉ vì đua đòi theo bạn bè chơi bời, uống rượu mà mình mới thành ra như thế, khiến bản thân và gia đình phải xấu hổ với làng. Vì cải tạo tốt, ngày 1-12-2016, mình được đặc xá về nhà trước thời hạn 7 tháng”-Drênh nhớ lại.
Đa phần người từng lầm lỡ trên địa bàn huyện Kông Chro hiện nay đều đã vượt qua mặc cảm, làm ăn lương thiện. Ảnh: Hồng Thi |
Cũng giống như ông Hùng, Drênh vừa vui mừng vì được trả tự do sớm, vừa e dè trước ánh nhìn của mọi người trong làng dành cho mình. Thời gian đầu tại ngoại, với Drênh, là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhưng rồi, Drênh cố gắng sống hòa đồng trở lại, tu chí làm ăn, quyết làm lại cuộc đời. “Hiện nay mình có khoảng 7 sào lúa, 2 ha bắp và gần 10 con bò. Mình cũng mới lấy vợ được gần 1 tháng. Giờ 2 vợ chồng lo làm ăn thôi, chứ mình không chơi bời như trước nữa. Mình còn thường khuyên thanh niên trong làng đừng dại dột như mình mà phải rơi vào cảnh tù tội”.
Sự đồng hành từ địa phương
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, huyện đã kêu gọi các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân xóa bỏ định kiến, kỳ thị, xa lánh đối với người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Trong 5 năm, huyện đã tổ chức tuyên truyền được 253 lượt tại các thôn làng với hơn 11.500 lượt người tham gia; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Kông Chro, tổng số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương từ năm 2012 đến nay là 114 người; trong đó 33 người đã được xóa án tích, 6 người chết, 10 người đã chuyển đi nơi khác, 8 người tái phạm và vi phạm pháp luật… |
Cùng với đó, huyện còn chỉ đạo, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký thường trú; cấp lại, cấp mới chứng minh nhân dân nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi, tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cộng đồng. Việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cá nhân người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu đã được các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm, chú trọng. Đơn cử như: Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” của Huyện đoàn; phong trào “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện...
Việc gặp gỡ, tặng quà động viên là một trong những giải pháp nhằm giúp những người chấp hành xong án phạt tù tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Hồng Thi |
Phát biểu tại buổi gặp gỡ những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Phan Văn Trung-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thời gian qua trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế nên vẫn còn nhiều trường hợp tái phạm; công tác quản lý người chấp hành xong án phạt tù ở cấp cơ sở chưa tốt và chặt chẽ; một số xã vẫn còn xem nhẹ công tác này, dẫn đến hiệu quả thấp, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể-xã hội, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên, có tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm...
Cũng theo ông Trung, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, pháp luật của Nhà nước một cách thiết thực, có hiệu quả; chỉ đạo chính quyền các xã, Trưởng Công an xã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; tăng cường triển khai các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập như đào tạo nghề, tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển sản xuất; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, xây dựng lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng-chống tội phạm; quản lý tốt những người đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương, tránh việc họ tái phạm.
Hồng Thi