TN - Đất & Người

Giúp người dân Ia Mơr trồng lúa nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân thay đổi cách trồng lúa nước, góp phần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Câu chuyện giúp người dân trồng lúa nước của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr kể ra cũng lắm gian nan! Bởi lẽ, trồng lúa trên nương, trên rẫy bằng phương pháp chọc, trỉa từ lâu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nơi đây. Làm thế nào để giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo? Câu hỏi ấy khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr cứ mãi trăn trở.

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Ảnh: A.H
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Ảnh: A.H

Và rồi thay vì “trao con cá”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr quyết định trao cho người dân nơi đây “chiếc cần câu” bằng việc xây dựng mô hình điểm về trồng lúa nước để hướng dẫn bà con. Thượng úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Công tác vận động quần chúng, chia sẻ: Năm 2013, đơn vị bắt tay vào khai hoang, cải tạo 6.000 m2 đất trống và đào ao để tích trữ nước tránh khô hạn cho cây lúa. Vừa làm, cán bộ, chiến sĩ vừa tận tình chỉ dẫn cho bà con từ khâu cải tạo đất, gieo cấy, bón phân, be bờ để quản lý nguồn nước... Nhìn cây lúa phát triển xanh tốt trên vùng đất khô hạn, bà con các làng vô cùng phấn khởi và họ  đã hoàn toàn tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng khi năng suất lúa ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên đạt 3,5 tấn/ha.

Năng suất, sản lượng lúa đã thay cho trăm vạn lời nói lúc bấy giờ và nhiều hộ dân đã tìm đến nhờ Bộ đội Biên phòng xuống ruộng trực tiếp hướng dẫn cách làm. Ông Rơ Chăm Kơk (làng Klă) phấn khởi: “Nhờ có Bộ đội Biên phòng Ia Mơr chỉ cho dân cách làm, cây lúa nước mới có thể phát triển xanh tốt trên đất hạn. Bà con ai cũng phấn khởi và biết ơn bộ đội!”. Không riêng gia đình ông Kơk mà nhiều hộ dân ở các làng Krông, Klă cũng thoát khỏi đói nghèo nhờ mạnh dạn làm theo mô hình lúa nước của Bộ đội Biên phòng. Ông Siu Chok (làng Klă) bộc bạch: “Bà con trong làng lúc trước chỉ biết làm lúa trên nương bằng phương pháp chọc, trỉa nên năng suất thấp, gạo không đủ ăn. Nhưng từ khi làm theo mô hình của Bộ đội Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn, bà con đỡ vất vả hơn mà lúa cũng nhiều hơn”. Nhà ông Chok có 1 ha ruộng lúa. Trước đây, gia đình ông chỉ thu chừng 20 bao lúa/năm, nhưng từ khi chuyển sang trồng lúa nước, kho thóc lúc nào cũng đầy ắp với gần 100 bao (mỗi bao 50 kg).

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: “Đây thật sự là mô hình có giá trị với địa phương, mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng biên giới. Nhờ nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa nước, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, Đồn Biên phòng Ia Mơr vẫn đang phối hợp với xã để tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động mở rộng diện tích, cải thiện cuộc sống, nhất là khi công trình thủy lợi Ia Mơr chính thức đi vào hoạt động...”.

Từ những đồng đất bỏ hoang vì thiếu nước, giờ đây, người dân các làng Klă, Krông đã biết tận dụng diện tích gần sông, suối, ao hồ để đưa vào sản xuất lúa nước. Thậm chí, nhiều hộ có diện tích lớn còn mạnh dạn đầu tư máy bơm, khoan giếng để trồng lúa nước. Thượng úy Rơ Ô Thuy chia sẻ thêm, đây không chỉ là mô hình điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân mà còn tạo nguồn lương thực cho đơn vị. Sau hơn 3 năm, diện tích lúa nước đã giúp đơn vị thu về hàng chục tấn lúa và trở thành địa chỉ để bà con các làng đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, diện tích lúa nước trên địa bàn đã được nhân rộng lên khoảng 60 ha, tập trung ở 2 làng: Krông, Klă.

Anh Huy-Hoàng Lân

Có thể bạn quan tâm