(GLO)- Để giúp người dân làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế ổn định sau khi đã nhường đất cho các công trình thủy điện và trả lại đất xâm canh tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), chính quyền địa phương đã bố trí quỹ đất mới và đầu tư sửa chữa tuyến đường vào khu sản xuất cho người dân.
Người dân làng Dip đi làm ở khu sản xuất mới. Ảnh: Lê Nam |
Xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 424 hộ, 1.713 nhân khẩu với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 11.072 ha. Xã có 3 làng đặc biệt khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là làng Dip-làng đã nhường lại quỹ đất cho các công trình thủy điện. Làng Dip có tổng số 191 hộ, với 768 khẩu (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%), với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của làng chiếm hơn 75%.
Để có quỹ đất xây dựng 2 công trình thủy điện Sê San 3 và Sê San 3A, năm 2004, hơn 191 hộ dân làng Dip đã sẵn sàng rời bỏ nhà, nương rẫy để chuyển đến khu tái định cư mới. Theo dự án tái định canh, định cư của các công ty thủy điện, mỗi hộ dân làng Dip được cấp 1 căn nhà, 1 con bò, 2.000 cây bời lời giống, 1.000 cây điều giống, phân bón để chăm sóc cây trồng và 2 ha đất tại khu vực Bãi Trâu, song do đường đi vào khu vực này khó khăn, phải qua nhiều ngầm, suối và lại nằm cách làng 7 km nên bà con đành bỏ không. Càng khó khăn hơn khi đất tại khu vực của làng có độ dốc lớn, sỏi đá và bạc màu nên không sản xuất được. Chính vì vậy, người dân làng Dip luôn trong tình trạng thiếu lương thực, hàng năm phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Để có cái ăn, có nơi sản xuất, nhiều hộ dân làng Dip đã phá rừng làm nương rẫy, trong đó có một số hộ sang xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, Kon Tum) xâm canh lấy đất sản xuất”-ông Rơ Châm Tâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết.
Kiểm tra công tác sửa chữa đường vào khu sản xuất. Ảnh: Lê Nam |
Để giải quyết khó khăn này, chính quyền địa phương đã lập phương án hỗ trợ sản xuất cho người dân làng Dip tại khu sản xuất, tổng diện tích hơn 175 ha, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2016. Theo đó, huyện giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đầu tư các hạng mục thiết yếu như khai hoang đất, sửa chữa đường giao thông, hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… với tổng kinh phí đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014 đầu tư 441,1 triệu đồng sửa chữa đường giao thông vào khu sản xuất, hỗ trợ khai hoang và hỗ trợ phát triển sản xuất. Ông Rơ Châm Eo cho biết: Trước kia, đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn, nhất là thiếu đất sản xuất. Khi huyện chưa triển khai sửa đường vào khu sản xuất, chúng tôi đi làm nương rẫy phải đi bộ cả nửa ngày mới tới nơi và phải ở lại trong nương rẫy cả tháng mới về làng vì đi lại rất khó khăn. Giờ được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa đường, chúng tôi có thể đi làm bằng xe máy, thuận lợi phát triển sản xuất.
Ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết thêm: Phương án hỗ trợ sản xuất cho người dân làng Dip góp phần giúp người dân định canh vững chắc, hạn chế việc phát rừng làm rẫy trái phép, từng bước nâng cao đời sống. Trong năm 2014, huyện triển khai san gạt những vị trí bị sạt lở, sình lún, hạ độ dốc những đoạn có độ dốc trên 10%, lắp đặt cống thoát nước tại các suối ngang qua đường kết hợp với lắp rọ đá tại các điểm xung yếu; hỗ trợ người dân khai hoang và phát triển sản xuất. Những năm tiếp theo, huyện tiếp tục hỗ trợ tu sửa hoàn thiện đường giao thông vào khu sản xuất và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.
Hy vọng với phương án đầu tư, hỗ trợ của chính quyền địa phương cả về vật chất và tinh thần sẽ giúp cho người dân làng Dip dần ổn định cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.
Lê Nam