Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Giúp thiếu nhi rèn kỹ năng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, việc tạo sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh cho trẻ là hết sức cần thiết. Từ mục đích đó, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các em thiếu nhi có thêm kỹ năng sống, được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục toàn diện.

Từ ngày 24 đến ngày 26-7, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Huyện Đoàn Krông Pa tổ chức chương trình “Tôi muốn trưởng thành” thu hút sự tham gia của 64 em học sinh 9-14 tuổi đến từ khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Trong thời gian 3 ngày 2 đêm, tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, các em được các anh chị hướng dẫn nhiều kỹ năng như: tự sắp xếp đồ dùng cá nhân, cách phòng cháy-chữa cháy, kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống dưới nước, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng biểu diễn trước đám đông. Bên cạnh đó, các em được trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích như thử thách “Một ngày làm nông dân nhí”, tham gia các chương trình văn nghệ, giao lưu lửa trại.

Các em nhỏ trải nghiệm hoạt động bắt cua, cá tại lớp rèn luyện kỹ năng sống “Tôi muốn trưởng thành”. Ảnh: Nay Chương

Các em nhỏ trải nghiệm hoạt động bắt cua, cá tại lớp rèn luyện kỹ năng sống “Tôi muốn trưởng thành”. Ảnh: Nay Chương

Di chuyển quãng đường gần 20 km để đến với chương trình, em Nông Nguyễn Trúc Lam (SN 2012, thôn Huy Hoàng, xã Ia Rsươm) chia sẻ: “Khi đăng ký tham gia chương trình, em khá lo lắng và hồi hộp vì đây là lần đầu tiên em xa gia đình. Tuy nhiên, trải qua nhiều hoạt động đã giúp em thoải mái, tự tin hơn và làm quen được nhiều bạn mới. Em thích nhất hoạt động trải nghiệm đi bắt cá. Em bắt được 2 con cua và 2 con cá giúp đội em giành chiến thắng phần thi này”.

Cũng lần đầu tiên xa gia đình để tham gia lớp rèn luyện kỹ năng sống, em Ngô Nguyễn Gia Bảo (SN 2014, thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) bộc bạch: “Thường ngày, bố mẹ đi làm, em cùng các bạn trong làng chơi bắn bi, ném banh nhưng chơi miết cũng chán. Tham gia chương trình này em thấy rất vui và bổ ích. Em đã hoàn thành xuất sắc các nội dung lớp học. Sang năm, nếu chương trình tiếp tục tổ chức, em sẽ xin gia đình và rủ thêm nhiều bạn cùng tham gia”.

Anh Nay Chương-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Pa-thông tin: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 7 em nhỏ tử vong. Lo sợ, nhiều gia đình “nhốt” các em cả ngày trong nhà xem ti vi, điện thoại. Chính vì vậy, lớp kỹ năng sống “Tôi muốn trưởng thành” được tổ chức nhằm mang đến sân chơi bổ ích, giúp các em có một mùa hè đúng nghĩa, không cảm thấy nhàm chán, không lạm dụng, phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ và có được kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích xảy ra. Có thể khẳng định, qua chương trình các em đã trưởng thành và vượt lên được chính bản thân mình”.

Trước nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng như hiện nay, việc tạo dựng sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là góp phần tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục toàn diện. Vì thế, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã đẩy mạnh hướng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống về cơ sở. Từ tháng 6-2023 đến nay, nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống đã được Trung tâm tổ chức như: tập huấn phòng-tránh tai nạn thương tích và học làm người có ích cho 80 thiếu nhi huyện Chư Pưh; trại hè “Kết nối yêu thương” cho 42 thiếu nhi của huyện Chư Păh; lớp kỹ năng sống “Hè vui, hè khỏe, hè sôi động” cho 93 thiếu nhi từ 8 đến 14 tuổi trong toàn tỉnh…

Những sân chơi bổ ích này các em thiếu nhi có cơ hội được lắng nghe, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân; đồng thời, trang bị thêm kiến thức để thiếu nhi hình thành và phát triển kỹ năng sống toàn diện.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang-Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh-cho biết: Các hoạt động giáo dục kỹ năng được Trung tâm tổ chức thường niên, tập trung cao điểm vào dịp hè và thường hướng về các vùng khó khăn. Những hoạt động được tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng lứa tuổi, từng địa phương, giúp mùa hè của các em thêm ý nghĩa, an toàn. Tuy nhiên, nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống này không chỉ của riêng tổ chức Đoàn mà cần phải có sự chung tay, vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn nữa của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm