Nguồn nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán, cao hơn gần gấp 4 lần lượng gỗ dán xuất khẩu, mở ra nhiều khả năng thoát cáo buộc lẩn tránh thuế mà Mỹ đang điều tra.
Theo Bộ Công thương, mặt hàng gỗ đang bị điều tra 7 vụ, chiếm 4% trong tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước hiện nay - Ảnh: T.V.N
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết trước khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch sẵn sáng ứng phó với vụ việc.
Hiện nguồn nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán, trong khi tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu m3.
Như vậy, xét về nguyên liệu đầu vào thì Việt Nam đủ năng lực cung ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ dán. Vì theo quan điểm của Hoa Kỳ, sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (ngoài Trung Quốc) có thể sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.
Theo Bộ Công thương, sau khi khởi xướng điều tra, Mỹ sẽ gửi bảng câu hỏi đến các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin.
DOC sẽ xem xét 5 yếu tố để xác định quá trình sản xuất/lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa của một nước có bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hay không.
Cụ thể, mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Quá trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Quy mô của các cơ sở sản xuất tại nước xuất khẩu. Và cuối cùng là giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong trường hợp DOC kết luận sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra, với mức thuế cao nhất như đang áp với Trung Quốc, tương ứng thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98-194,9%.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ khoảng 300 triệu USD.
TRẦN VŨ NGHI (TTO)