(GLO)- Những bất hợp lý trong chính sách thuế đã đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông sản lâm vào khó khăn, ngành kinh doanh thuộc lĩnh vực này cũng trì trệ, đình đốn. Bởi vậy, sau khi nhận được khá nhiều kiến nghị từ phía DN, ngày 15-10-2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13706/BTC-TCT nhằm gỡ khó cho các DN.
Khó kiểm soát các đơn vị trung gian
Hầu hết nông sản khi xuất khẩu được hưởng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) 0%. Tưởng rằng, với chính sách ưu đãi thuế như vậy sẽ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, song trên thực tế, 100% DN tham gia xuất khẩu nông sản đều lắc đầu thở dài. Là bởi nông sản khi mua bán trong nước phải chịu thuế VAT dao động 3-10% (tùy mặt hàng). Theo đó, DN khi mua hàng trong nước đều phải nộp khoản thuế này, sau mỗi lô hàng nông sản đã xuất khẩu, DN làm thủ tục để được hoàn thuế VAT.
Ảnh: Huy Tịnh |
Trước đây, các thủ tục hoàn thuế khá đơn giản, chỉ cần hồ sơ có đủ các hóa đơn VAT đầu vào là được nhận lại tiền thuế trong vòng 6 ngày (hoàn trước, kiểm sau). Nhưng từ ngày 1-7-2013, Công văn 7527/BTC-TCT của Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN rủi ro cao về thuế. Riêng Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên tập trung thanh tra-kiểm tra các DN kinh doanh cà phê trên địa bàn.
Cơ quan thuế phải kiểm tra đầy đủ hóa đơn đến người bán hàng đầu tiên, nếu đạt thì DN mới được hoàn thuế (kiểm trước, hoàn sau). Trong khi đó, việc thu mua hàng để phục vụ xuất khẩu được các DN thu mua trực tiếp từ người dân hoặc các công ty thương mại, có khi qua rất nhiều đơn vị trung gian. Và cơ quan quản lý thuế rõ ràng khó kiểm soát đối với các đơn vị trung gian này nếu họ lợi dụng kê khai và hoàn thuế khống.
Việc không thể kiểm soát được thuế giá trị gia tăng còn đẩy DN mua bán nông sản vào thế tranh mua, tranh bán. Đã từng xảy ra tình trạng một số DN “ma” sẵn sàng trả giá cao hơn giá thị trường cho nông dân để gom hàng bán lại cho DN, sau đó biến mất. Doanh nghiệp mua hàng của DN “ma” lại bán qua nhiều trung gian khác trước khi đến tay nhà xuất khẩu. Theo quy định, chỉ cần một mắt xích bị hỏng là cả một chuỗi cung ứng, trong đó có các DN làm ăn chân chính bị quy thành DN có rủi ro cao. Như vậy có thể hiểu, chỉ vì tình trạng gian lận thuế của một vài DN mà cơ quan thuế bắt các DN làm ăn chân chính phải chịu trách nhiệm phần thuế này.
Rõ ràng, việc truy thu thuế từ thương lái trung gian là nhiệm vụ của ngành thuế, song ngành thuế lại đẩy rủi ro về phía DN xuất khẩu. Bởi vậy, kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay khá ảm đạm, sẽ khó đạt kế hoạch khi đến tháng 10, xuất khẩu ước đạt trên 200 triệu USD, đạt gần 52% kế hoạch, giảm tới gần 44% so với cùng kỳ năm 2012. Hầu hết các mặt hàng đều giảm về lượng và giá trị, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, mì lát.
Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Sau khi nhận được khá nhiều kiến nghị từ các hiệp hội DN, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13706/BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn bổ sung sửa đổi nội dung Công văn 7527. Đây có thể coi là bước gỡ khó đầu tiên để các DN xuất khẩu nông sản có cơ hội chuyển mình khi thuế giá trị gia tăng được hoàn, DN lại có vốn để kinh doanh, sản xuất.
Theo đó, đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế “là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật”. Đối tượng này được quy định tại Điều 30 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28-10-2010; Điều 41 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22-7-2013.
Đối với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, Bộ Tài chính đề nghị các Cục Thuế chú ý những đối tượng: Đối với hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của DN thuộc danh sách “DN xuất khẩu uy tín” năm 2012-2013 do Bộ Công thương công bố tại Quyết định 2390/QĐ-BCT ngày 15-4-2013 và Quyết định số 4169/QĐ-BCT ngày 24-6-2013 cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định.
Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với cả trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng không phải mặt hàng được công nhận trong danh sách “DN xuất khẩu uy tín” và trường hợp chi nhánh DN hạch toán phụ thuộc thực hiện xuất khẩu. Đối với các DN xuất khẩu nông-lâm-thủy-hải sản đã hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 24 tháng tính đến ngày phát sinh hồ sơ hoàn thuế không bị xử phạt về gian lận thuế, trốn thuế gồm tất cả các sắc thuế theo quy định của pháp luật...
Hà Duy