(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang trồng các loại cây khác trong dự án chuyển đất rừng nghèo sang trồng cao su.
Hơn 12.000 ha cao su chết, kém phát triển
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng phát triển cây cao su vùng Tây Nguyên đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, tỉnh ta đã đồng ý cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án trồng cao su thay thế trên đất rừng nghèo. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng diện tích được phép chuyển sang trồng cao su là hơn 32.000 ha, trong đó có 29.188 ha đất có rừng tự nhiên và 3.217,5 ha đất chưa có rừng. Diện tích đất rừng nghèo được phép chuyển đổi sang trồng cao su thuộc địa bàn các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Ia Pa…
Hàng ngàn héc ta cao su bị chết, kém phát triển do không phù hợp thổ nhưỡng. Ảnh: Nguyễn Tú |
Có 16 doanh nghiệp được tỉnh cho phép triển khai trồng cao su thay thế rừng nghèo, gồm các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah); Công ty TNHH một thành viên Bình Dương, Chi nhánh 710 (thuộc Tổng Công ty 15)...
Sau khi được tỉnh phê duyệt 44 dự án, các doanh nghiệp đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khai hoang và trồng cao su thay thế trên đất rừng nghèo. Tổng diện tích đất mà các doanh nghiệp quản lý là hơn 31.000 ha, trong đó diện tích đất đã được trồng cao su là hơn 25.000 ha với kỳ vọng sẽ làm thay đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh cao su, tạo việc làm cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, đến nay, trong tổng số hơn 25.000 ha cao su đã trồng thì có hơn 12.000 ha bị chết hoặc sinh trưởng kém. Tình trạng này xảy ra tại hầu hết các doanh nghiệp có diện tích cao su thay thế rừng nghèo. Đơn cử, Chi nhánh 710-Tổng Công ty 15 trồng 2.323,3 ha cao su ở xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) thì có 261,2 ha bị chết và 1.494,8 ha kém phát triển (chiếm 75%). Một trường hợp khác là Công ty TNHH Trang Đức, trong tổng diện tích cao su mà đơn vị đã trồng là 267,5 ha thì có 76,6 ha cao su bị chết và 190,9 ha cao su kém phát triển (tỷ lệ cây chết và kém phát triển chiếm 100%).
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ảnh: Nguyễn Tú |
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ban, ngành của tỉnh đã kiểm tra 7/16 doanh nghiệp trồng cao su trên diện tích đất rừng nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn xác định nguyên nhân khiến hơn 12.000 ha cao su bị chết, sinh trưởng kém là do thổ nhưỡng không phù hợp, thường xuyên bị úng nước vào mùa mưa, chỉ đủ điều kiện cho cây cao su phát triển trong 2-3 năm đầu. Trong đó, đa phần diện tích cao su trên rừng khộp tại các xã biên giới của huyện Chư Prông bị chết hoặc sinh trưởng kém. Đáng chú ý là 100% diện tích cao su của Công ty TNHH một thành viên Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Chư Pah trồng tại các xã biên giới huyện Chư Prông đều bị chết hoặc kém phát triển.
Thực trạng đó khiến các doanh nghiệp trồng cao su trong dự án thay thế rừng nghèo phải lao đao trước bài toán kinh doanh khi mà nguồn vốn tự bỏ ra quá lớn, chưa kể tiền Nhà nước đầu tư, vốn vay ngân hàng… Trong khi đó, giá mủ cao su lại đang ở mức thấp (khoảng 30-40 triệu đồng/tấn) và chưa biết đến thời điểm nào mới cải thiện. Nhiều công ty đang tồn đọng một lượng lớn mủ cao su trong kho để chờ ngày lên giá, nhiều vườn cây đến thời kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không tổ chức khai thác.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời khảo sát, đánh giá lại những dự án này, cụ thể là với những diện tích trồng cao su không hiệu quả để tìm giải pháp tối ưu tránh lãng phí đất đai và gỡ khó cho doanh nghiệp.
Tại công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đề xuất phương án cho các doanh nghiệp được thay đổi cơ cấu cây trồng, trồng các loại cây trồng khác trên diện tích 10.669,9 ha đất trồng cao su bị chết, sinh trưởng kém; cho phép doanh nghiệp trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh như một cách “hóa giải”. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp được giãn thời gian trồng rừng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế trong 5 năm kể từ ngày phê duyệt dự án chuyển đổi sang trồng các loại cây khác không phải mục đích lâm nghiệp.
Nguyễn Tú