Giáo dục

“Gỡ khó” để hoàn thành 7 kế hoạch của ngành Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2023) triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục diễn ra vào chiều 10-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Kết quả bước đầu

Hội nghị đã tập trung đánh giá việc triển khai thực hiện 7 kế hoạch gồm: kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học giai đoạn 2021-2025; kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non, giai đoạn 2021-2025”; kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2021-2025) và kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.T

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long, trên cơ sở 7 kế hoạch này, Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện theo từng năm phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2021-2025 được xem là nền tảng, cốt lõi định hướng các mục tiêu, chỉ tiêu và chiến lược phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Trong 3 năm (2021-2023), việc triển khai thực hiện 7 kế hoạch của ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang-thiết bị dạy học trên 946,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 285 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (đạt 100%). Số học sinh học 2 buổi/ngày tăng hàng năm. Tính đến năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là 91,5% (vượt kế hoạch đề ra). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong 3 năm đều vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao (đến năm 2023 đạt tỷ lệ 63,67%).

“Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non, giai đoạn 2021-2025”, sau 3 năm, các tỷ lệ: trẻ mẫu giáo ra lớp, trẻ học 2 buổi/ngày, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, trẻ thừa cân béo phì, giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đã đạt và vượt kế hoạch”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai thực hiện 7 kế hoạch của ngành Giáo dục. Ảnh: H.T

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai thực hiện 7 kế hoạch của ngành Giáo dục. Ảnh: H.T

Ngoài ra, 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 129 giáo viên được đào tạo nâng trình độ chuẩn. Sau 3 năm, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn tăng từ 84,77% lên 88,71%; tiểu học từ 81,36% lên 84,60%; THCS từ 85,49% lên 88,35%; riêng giáo viên THPT đạt chuẩn 100%.

Tháo gỡ vướng mắc

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 7 kế hoạch nhằm tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Sê nêu thực trạng: Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất, đội ngũ, trang-thiết bị dạy học vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu. Tại nhiều trường, quy chuẩn bàn ghế không còn phù hợp với thể trạng học sinh THCS… Theo đó, ông Mẫn đề nghị tỉnh sớm hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện chi trả thù lao cho giáo viên và người tình nguyện dạy xóa mù chữ. Bởi lẽ, việc giảng dạy đã triển khai từ năm 2022 nhưng người đứng lớp vẫn chưa nhận được thù lao. Trong khi đó, ngân sách trung ương phân bổ về lại không chi được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Dương Mạnh Mẫn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn. Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Dương Mạnh Mẫn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn. Ảnh: H.T

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Thị Huệ lý giải: Căn cứ vào các văn bản, nghị quyết liên quan đã ban hành, kinh phí thực hiện cho việc mở lớp xóa mù chữ giao cho địa phương theo phân cấp, tức là phải chi từ nguồn ngân sách địa phương. Do vậy, nếu chi từ nguồn kinh phí Trung ương cấp về sẽ sai so với quy định.

Đề cập đến khó khăn trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho hay: “Vướng mắc của thành phố là quỹ đất các trường đều hạn hẹp, không thể đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích phòng học văn hóa, các phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập… đúng với quy mô học sinh. Ngoài ra, việc dạy học đối với các môn tích hợp hiện vẫn rất thiếu giáo viên”.

Ghi nhận ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: “Về việc triển khai một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở đã có hướng dẫn cụ thể để các trường triển khai thực hiện. Không bố trí 1 giáo viên đảm nhận môn học tích hợp mà giao theo phân môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Phòng GD-ĐT TP. Pleiku tiếp tục triển khai theo hướng dẫn của Sở. Nếu có vướng mắc, Sở sẽ cùng tháo gỡ”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.T

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.T

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương phải tổ chức đánh giá sau 3 năm triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục để có giải pháp triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất cần đánh giá kỹ, rà soát về hiện trạng cũng như có định hướng đầu tư đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên phải có lộ trình; quan tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo về việc sắp xếp trường lớp gắn với sĩ số lớp học và phân công giáo viên giảng dạy phù hợp; khẩn trương tuyển dụng đủ số chỉ tiêu giáo viên đã được phân bổ.

“Đối với việc thiếu nhân viên y tế trường học, tỉnh đã chỉ đạo giao cho trạm y tế đảm đương công tác y tế học đường của các trường trên địa bàn cấp xã. Riêng với nhân viên kế toán, hiện nay, tỉnh đã cho chủ trương tuyển dụng 170/340 chỉ tiêu; trước mắt ưu tiên cho các trường mầm non, tiểu học có tổ chức nội trú, bán trú để thực hiện nhiệm vụ”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm