Chính trị

Gỡ khó để phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số-Kỳ 1: “Hạt nhân” trong khối đại đoàn kết dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Dù vậy, tại một số nơi, tỷ lệ cán bộ người DTTS vẫn chưa cân đối, chất lượng chưa cao. Đây là “bài toán” mà các cấp, các ngành cần chung tay tìm lời giải hữu hiệu trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS luôn nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành. Lực lượng cán bộ, công chức người DTTS ngày càng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS

Đầu năm 2021, chị Nay H’Uyên (SN 1981) được Ban Thường vụ Thị ủy Ayun Pa chỉ định giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chư Băh. Đây là một trong số các cán bộ trẻ năng động được Đảng ủy xã Chư Băh rà soát, quy hoạch, bổ nhiệm và tiếp tục bồi dưỡng nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho thị xã trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Trước đó, năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp Văn phòng, chị nộp hồ sơ tuyển dụng về xã Ia Rbol và được bố trí làm cán bộ xã. Sau quá trình công tác, chị được cấp ủy quan tâm giới thiệu bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Đến năm 2007, xã Chư Băh tách ra từ Ia Rbol, chị được điều động về xã mới, tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ. Đến năm 2016, chị được phân công giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Băh.

Đội ngũ cán bộ, công chức xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa) ngày càng trẻ hóa, nâng cao chất lượng. Ảnh: Đinh Yến

Đội ngũ cán bộ, công chức xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa) ngày càng trẻ hóa, nâng cao chất lượng. Ảnh: Đinh Yến

“Ngày được xét tuyển, tôi mừng lắm. Ngoài niềm vui có việc làm, tôi cũng rất lo bởi là cán bộ trẻ, đảm nhiệm hoạt động phong trào trong khi kinh nghiệm chưa có. Vì vậy, tôi luôn học hỏi kinh nghiệm những cán bộ đi trước. Trong quá trình làm việc, tôi được xã cử đi học từ trung cấp đến cao cấp lý luận chính trị. Tôi còn tự học thêm cử nhân Luật. Gắn bó với nhiều lĩnh vực, cương vị công tác khác nhau, tôi rất vui khi được lãnh đạo Thị ủy và Đảng ủy, UBND xã quan tâm, tin tưởng. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành cán bộ trẻ năng động, đảm đương mọi nhiệm vụ được giao”-chị Nay H’Uyên tâm sự.

Xã Chư Băh hiện có 20 cán bộ, công chức, trong đó, 8 cán bộ, công chức là người DTTS. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hữu Thùy cho biết: Xã có tỷ lệ người DTTS chiếm trên 80% dân số nên việc tạo nguồn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS được đặc biệt quan tâm. Bởi với ưu thế về ngôn ngữ, am hiểu phong tục tập quán, khả năng kết nối, gần gũi và tạo dựng uy tín, họ chính là “cầu nối” đắc lực để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân một cách nhanh chóng, rõ ràng, hiệu quả. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tìm kiếm những người trẻ vì họ có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện về trình độ học vấn cũng như độ nhanh nhạy, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin. Đến nay, trong số 8 cán bộ, công chức người DTTS thì có 4 người dưới 40 tuổi, người trẻ nhất là anh Rơ Châm Khương (SN 1993), hiện là công chức Tư pháp-Hộ tịch. Đặc biệt, xã Chư Băh là 1 trong 2 địa phương có số lượng người DTTS giữ chức danh lãnh đạo, quản lý nhiều nhất của thị xã với 5 người.

Ông Trần Ngọc Sơn-Trưởng phòng Nội vụ thị xã Ayun Pa-cho hay: Tính đến ngày 31-7-2023, thị xã có 152/572 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Ở cấp xã, số lượng cán bộ, công chức người DTTS là 38 (17 nữ), chiếm 24,5%; số lượng cán bộ, công chức trẻ người DTTS là 20, chiếm 53%. Các địa phương cũng chủ động rà soát, đào tạo cán bộ trẻ để bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, mạnh dạn đưa cán bộ trẻ về cơ sở tiếp cận công việc để tạo môi trường rèn luyện, trưởng thành.

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là những hạt nhân trong gắn kết, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Đức Thụy

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là những hạt nhân trong gắn kết, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Đức Thụy

Vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS cũng được huyện Đak Pơ xem là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyển dụng, phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; đồng thời, thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức người DTTS để tạo môi trường rèn luyện, trưởng thành. Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Thị Thương thông tin: “Trong 10 năm (2016-2026), huyện đã quy hoạch 42 cán bộ, công chức, viên chức vào các chức danh chủ chốt cấp huyện, xã. Trong đó có 6 đồng chí cấp huyện, 36 đồng chí cấp xã dưới 40 tuổi. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi ở huyện cũng khá đông. Nhất là ở 2 xã Yang Bắc và Ya Hội đã quy hoạch 10/20 cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi cho nhiệm kỳ 2025-2030. Đây cũng là 2 địa phương đạt tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS theo quy định là 50%”.

Dành nhiều sự quan tâm

Cán bộ, công chức người DTTS có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị. Họ là những “hạt nhân” tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, là người trực tiếp tổ chức, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Vì vậy, để xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cùng với triển khai hiệu quả các chính sách đối với người DTTS, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện.

Tính đến ngày 31-7-2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh có mặt là 1.219/9.504 biên chế được giao, chiếm 12,83%, vượt tỷ lệ tối thiểu 10% theo quy định tại Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2016. Cấp xã có 4.376/4.574 cán bộ, công chức có mặt, trong đó có 1.182 người DTTS, chiếm 27,1%.

Ông Nguyễn Đình Tiến-Giám đốc Sở Nội vụ-đánh giá: Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để tăng cường, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Nhờ vậy, đội ngũ này ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở địa phương. Các ngành, địa phương cơ bản đã thực hiện được những mục tiêu, quan điểm đề ra về công tác cán bộ, góp phần làm chuyển biến rõ nét chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Ayun Pa cho hay: Hàng năm, thị xã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, nghiên cứu các văn bản pháp luật quy định hiện hành, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ công tác, kiến thức quản lý nhà nước, quốc phòng-an ninh; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạt chuẩn đáp ứng với yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới. Từ năm 2021 đến nay, thị xã có 223 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng-an ninh. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn vị trí việc làm.

Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ngày càng được trẻ hóa, tăng dần tỷ lệ nữ. Ảnh: Đức Thụy

Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ngày càng được trẻ hóa, tăng dần tỷ lệ nữ. Ảnh: Đức Thụy

Tương tự, từ năm 2016 đến nay, huyện Đức Cơ đã cử 761 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đạt 90% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, 561 người được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, kỹ năng. Trong giai đoạn 2015-2023, có 395 người được đào tạo về tin học, ngoại ngữ (có 135 người DTTS đạt chuẩn về tin học và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác); mở 5 lớp sơ cấp lý luận chính trị đào tạo cho 204 người, trong đó có 28 người DTTS.

Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác đào tạo, bố trí, sử dụng, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS trên địa bàn huyện đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng tạo động lực để từng cán bộ, công chức nỗ lực tự hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của vị trí việc làm. Tốt nghiệp trung cấp ngành Quản lý văn hóa, năm 2016, anh Poi (dân tộc Bahnar) được tuyển dụng làm công chức Văn hóa-Thông tin xã Ya Ma, huyện Kông Chro. “Trong quá trình công tác, tôi luôn phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, bản thân cũng tự học tập, nghiên cứu, đặc biệt là từ đồng nghiệp để phục vụ người dân thật tốt. Sau thời gian công tác, UBND xã đã tạo điều kiện cho tôi đi học đại học hệ vừa học vừa làm. Năm 2022, tôi đã tốt nghiệp đại học ngành Công tác xã hội, đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm hiện nay”.

Anh Poi-công chức Văn hóa-Thông tin xã Ya Ma (huyện Kông Chro) trao đổi với đồng nghiệp về nhiệm vụ công tác. Ảnh: Ngọc Sang

Anh Poi-công chức Văn hóa-Thông tin xã Ya Ma (huyện Kông Chro) trao đổi với đồng nghiệp về nhiệm vụ công tác. Ảnh: Ngọc Sang

Tương tự, năm 2015, chị Rơ Châm Dil (SN 1981) được Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai chỉ định giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia O. Chị Dil cho hay: “Qua nhiều năm công tác, tôi luôn tự trau dồi, nâng cao kiến thức. Tháng 9-2023, tôi được Ban Thường vụ Huyện ủy xét chọn đi học cao cấp lý luận chính trị. Cùng với đó, tôi còn tự nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cử nhân Luật. Tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức để phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao đối với cán bộ, công chức”.

Có thể bạn quan tâm