Kinh tế

Gỡ khó về vốn cho chương trình tái canh cà phê ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vì sao cho tới nay, người nông dân vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ chính sách tái canh cây cà phê? Đây là vấn đề chính được ngành Ngân hàng và các địa phương, ban ngành chức năng của tỉnh thảo luận xuyên suốt tại Hội nghị chuyên đề về cho vay tái canh cây cà phê nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất tháo gỡ vấn đề này.

Ngay sau khi Đề án tái canh cây cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt vào tháng 10-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cho vay tái canh cà phê với khoảng 12.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia cho vay, sẵn sàng đối ứng vốn cho việc thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, chính sách cho vay tái canh cà phê mới chỉ được thực hiện tốt tại một số địa phương, trong đó tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là tích cực nhất do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Khó tiếp cận vốn vay

Chăm sóc cây cà phê.
Chăm sóc cây cà phê.

Cho đến nay, việc triển khai cho vay tái canh cà phê tại Gia Lai chưa đạt mục tiêu đề ra khi dư nợ cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank)-Chi nhánh Gia Lai chỉ đạt 19,2 tỷ đồng/3 khách hàng doanh nghiệp/311,5 ha. Còn riêng khách hàng nông hộ vẫn chưa cho vay được vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 93.900 ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi là 18.500 ha. Theo kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh ban hành, diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo trong giai đoạn này là 13.660 ha, được triển khai tại địa bàn TP. Pleiku và 9 huyện. Tổng nhu cầu vốn vay ngân hàng để thực hiện chương trình là 2.045,5 tỷ đồng.

Tại hội nghị chuyên đề về cho vay tái canh cây cà phê diễn ra vào cuối tháng 11-2016, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện: Ia Grai, Chư Pưh, Mang Yang, Kbang, Đak Đoa cho biết, nhu cầu tái canh cà phê trong dân là rất lớn khi số liệu đăng ký cập nhật gia tăng. Tuy nhiên, đa phần nông hộ đều gặp nhiều trở ngại khi muốn tiếp cận vay vốn ngân hàng. Rào cản đầu tiên mà hầu như nông hộ nào cũng vướng là hơn 80%-90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ đã được thế chấp tại các ngân hàng thương mại. Không còn tài sản thế chấp nên người dân rất băn khoăn về điều kiện bảo đảm tiền vay và đành bỏ ngỏ cơ hội.

Thêm một trở ngại nữa là quy định giải ngân theo tiến độ tái canh. Với định mức cho vay tối đa 150 triệu đồng/ha, tâm lý của người vay là được nhận vốn một lần để tiện bề tính toán đầu tư. Trong khi đó, quy định của ngân hàng là giải ngân theo tiến độ, phù hợp với chi phí thực tế phát sinh của quá trình tái canh. Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề được người trồng quan tâm như lãi suất sau 4 năm ân hạn; việc xác định đủ điều kiện vay vốn, vườn cây đủ điều kiện thực hiện tái canh ngay hoặc phải luân canh; việc chứng minh nguồn gốc cây giống đủ tiêu chuẩn hoặc người dân tự ươm cây giống, tự mua giống nên không có hóa đơn thì giải quyết như thế nào cũng đã được đưa ra thảo luận.

Liên quan đến cây giống và việc đảm bảo chất lượng, đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên-Chi nhánh Gia Lai nhận định, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho các Phòng Nông nghiệp và PTNT có thẩm quyền cấp giấy xác nhận luân canh hoặc không. Trên thực tế, nhân lực của Phòng rất hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Mặt khác, phần lớn nhà vườn cung cấp cây giống trên địa bàn Tây Nguyên mua giống từ Viện với số lượng rất ít, chủ yếu là nhà vườn tự gây giống. Như vậy, việc xác nhận nguồn gốc cây giống trồng tái canh liệu có đảm bảo không?

Tháo gỡ vướng mắc

 

Thu hoạch cà phê. Ảnh: ĐỨC THỤY
Thu hoạch cà phê. Ảnh: ĐỨC THỤY
Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai: “Đối với chương trình tái canh cà phê, Nhà nước chỉ ưu đãi về mặt lãi suất và thời gian ân hạn. Ngoài ra, các điều kiện vay vốn phải tuân thủ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng Giám đốc Agribank. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên thực hiện tái canh từng phần tùy theo điều kiện kinh tế, tài chính của từng gia đình”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai nêu rõ, UBND tỉnh đã có sự phân công rõ ràng vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch tái canh cây cà phê. Riêng về vốn tái canh, phải khẳng định luôn đó là nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được giải ngân căn cứ trên dư nợ cho vay thực tế. Là dòng vốn ngân sách nên đương nhiên sẽ có kiểm toán, thanh tra. Đồng thời, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng chỉ cho vay tối đa 150 triệu đồng/ha. Đây là nguồn vốn hỗ trợ do đó phải có sự đối ứng của hộ gia đình. Ông Cư cho biết thêm, đối với những vấn đề vướng mắc thuộc cơ chế, chính sách thì ngành Ngân hàng tỉnh  sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo với tỉnh, với Trung ương.

Để đẩy mạnh việc cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã yêu cầu bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch với sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó, hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính quyết định sự thành công của chương trình.

 Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm