Thời sự - Sự kiện

Gọi chính sách thuế mới của Mỹ là hèn hạ, Trung Quốc cũng áp mức thuế cao hàng nhập khẩu Mỹ để đáp trả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài phút sau khi lệnh áp thuế của ông Trump có hiệu lực lúc 0h ngày 4/2, Trung Quốc công bố đòn thuế quan đáp trả, áp thuế 10-15% nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như than đá, dầu thô và ô tô kể từ ngày 10/2.

anh-minh-hoa-reuters.png
Thương chiến Mỹ- Trung chưa ngã ngũ. Ảnh minh họa: Reuters

Đồng thời, Trung Quốc kịch liệt phản đối quyết định mới của chính quyền Mỹ, cho biết đã đệ đơn kiện lên Tổ chức thương mại thế giới ( WTO).

Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích biện pháp thuế quan của Mỹ là "hèn hạ", "đơn phương" và làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại toàn cầu.

Với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát xuất khẩu một số kim loại và đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng điện tử công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng sạch. Bắc Kinh cũng thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, đồng thời liệt 2 doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình vào năm 2018, ông Trump đã gây tranh cãi với cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh có thặng dư thương mại khổng lồ với Washington.

Khi đó, hai bên áp các mức thuế quan theo kiểu "ăn miếng trả miếng" với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ USD, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới.

Năm 2020, Trung Quốc đồng ý chi thêm 200 tỉ USD mỗi năm để mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá vỡ do đại dịch COVID-19. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc công bố tháng trước cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên 361 tỉ USD.

Theo Oxford Economics, thương chiến chỉ mới bắt đầu nên khả năng có thêm các mức thuế khác là rất cao. Chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixis tại Hong Kong Gary Ng đánh giá ngay cả khi Mỹ, Trung nhất trí về một số vấn đề, vẫn có khả năng thuế quan được sử dụng như công cụ thường xuyên, trở thành nguồn cơn chính gây ra biến động thị trường năm nay.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các chính sách bảo hộ gia tăng có thể ảnh hưởng đến đầu tư và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. "Vì lợi ích của mọi người, chúng ta cần tìm ra những cách mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng và tạo điều kiện cho thương mại", tổ chức này kêu gọi.

Có thể bạn quan tâm